Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đang định hình một Syria mới từ vùng biên giới

07:49, 24/12/2024

Lãnh đạo Syria không phải là bên duy nhất định hình tương lai của đất nước mà điều này còn đến từ khu vực lãnh thổ vùng biên – nơi đang bị Israel và Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát một phần.

Các thành viên lực lượng đối lập sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, Syria ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Các thành viên lực lượng đối lập sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, Syria ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Quân đội Israel không tốn quá nhiều thời gian tiến vào Syria sau khi Chính quyền Assad bị lực lượng đối lập lật đổ cách đây hai tuần. Phía Israel đã triển khai quân đội di chuyển vào khu vực vùng đệm tại cao nguyên Golan - được thiết lập theo lệnh ngừng bắn giữa hai nước cách đây 50 năm.

Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Israel, ông Netanyahu đã nói rằng: "Israel sẽ không cho phép các nhóm thánh chiến lấp đầy khoảng trống đó và đe dọa các cộng đồng Israel". Văn phòng này mô tả việc triển khai này là tạm thời cho đến khi một chính quyền Syria mới - hiện do Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) lãnh đạo - cam kết thực hiện thỏa thuận năm 1974. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những thông báo trên có vẻ không phản ánh đúng thực tế khi HTS cũng lên tiếng đề nghị Israel ngừng các cuộc tấn công và rút quân khỏi lãnh thổ nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng thể hiện những động thái cấp bách tương tự với Israel trong việc khẳng định ảnh hưởng của mình đối với một phần lãnh thổ lớn hơn tại Syria. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã miêu tả Thổ Nhĩ Kỳ là một nhân tố chủ chốt trong việc định hình bối cảnh chính trị hậu Assad. Một trong những ưu tiên chính của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là đẩy lùi các nhóm người Kurd ở phía Bắc có liên hệ với PKK - một tổ chức từ lâu đã đấu tranh cho người Kurd tự trị ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổ chức Quân đội Quốc gia Syria (SNA) - một nhóm được Ankara tài trợ và cố vấn - đã chiếm giữ 2 thị trấn phía Tây Bắc kể từ cuối tháng 11 từ tay của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - một đồng minh người Kurd trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS của Mỹ. Theo một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã đề cập trong tuần này, SNA đang thể hiện mong muốn sẽ cố gắng chiếm thêm các phần lãnh thổ khác tại Syria.

Mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là tạo ra một vùng đệm dọc theo toàn bộ biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ dài 900 km. Tuy nhiên, mục tiêu này được nhiều người đánh giá có vẻ khó đạt được. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết HTS ủng hộ việc giải tán lực lượng người Kurd, mặc dù nội dung này chưa được HTS đề cập một cách công khai.

Cách thức Israel và Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng tới tương lai của Syria

Sự tiến công của Israel đã mở rộng quyền kiểm soát của nước này đối với khu vực cao nguyên Golan —vùng đất là tâm điểm của tranh cãi giữa nhiều quốc gia kể từ khi Israel chiếm được từ Syria trong cuộc chiến năm 1967. Trước khi Chính quyền Assad sụp đổ, Israel đã kiểm soát khoảng 2/3 khu vực trên.

Với thực tế hiện nay, khi chiếm được toàn bộ cao nguyên Golan sẽ giúp quân đội Israel có nắm sát được tình hình tại miền Nam Syria và thủ đô Damascus - cách đó 60 km – và những diễn biến trên chiến trường của các bên liên quan. Ngoài ra, với đất đai màu mỡ, cao nguyên Golan là khu vực nông nghiệp trù phú để trồng nho, táo cũng như cung cấp một nguồn nước quan trọng cho Israel.

Đến nay, ngoài ông Trump chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với lãnh thổ Golan vào năm 2019 trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Liên hợp quốc vẫn coi đây là một lãnh thổ hợp pháp của Syria.

Trong khi đó với Thổ Nhĩ Kỳ, vào tuần trước, Ngoại trưởng Hakan Fidan cho biết quốc gia này muốn được xem là cường quốc khu vực, có khả năng kiểm soát tình hình tại Syria. Vừa qua, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã liên lạc với HTS và thủ lĩnh Ahmed Al-Sharaa cũng như đạt được những kết quả nhất định về mặt quân sự ở phía Bắc Syria.

Ông Fidan nói rằng: "Chúng tôi công nhận chính quyền hiện tại, chính quyền mới, là đối tác hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ và các bên đối thoại quốc tế. Tôi nghĩ HTS đã có những bước tiến lớn để tách mình khỏi al-Qaeda và Daesh (IS) cùng các thành phần cực đoan khác".

Ankara có động lực mạnh mẽ để đảm bảo sự ảnh hưởng đến cách thức điều hành tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận hơn 3 triệu người tị nạn từ Syria — hậu quả của cuộc nội chiến kéo dài 13 năm tại Syria. Việc này được đánh giá là giúp cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi lớn khi quá trình tái thiết sau chiến tranh bắt đầu.

Nhóm phân tích của Eurasia Group cho rằng: “Ankara sẽ tìm cách định hình bối cảnh chính trị và kinh tế ở Syria để mở rộng lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Một kết quả tốt ở Syria đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp (Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ) Erdogan thể hiện mình là một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng trên toàn cầu”.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com