Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) hôm 18/11 (giờ địa phương) đã thông qua 4 luật thuộc gói lập pháp “An toàn Hàng hải,” nhằm xây dựng ngành vận tải biển an toàn, sạch và hiện đại hơn.
Các quy định này sửa đổi các chỉ thị liên quan đến điều tra tai nạn hàng hải, ô nhiễm từ tàu biển, tuân thủ yêu cầu của quốc gia treo cờ và kiểm soát tàu thuyền tại cảng.
Mục tiêu chính của gói luật là cân bằng giữa việc duy trì chất lượng vận tải biển cao và đảm bảo khả năng cạnh tranh của ngành hàng hải EU, đồng thời giữ chi phí hợp lý cho doanh nghiệp và chính quyền các nước thành viên. Đây cũng là nỗ lực để EU đồng bộ hóa các quy định với tiêu chuẩn quốc tế, cải thiện việc thực thi thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan trong khu vực.
Một trong những điểm nổi bật là chỉ thị sửa đổi về điều tra tai nạn hàng hải. Quy định mới mở rộng phạm vi điều tra đến các tàu cá dưới 15 mét, giúp đảm bảo mọi vụ tai nạn gây tử vong hoặc mất tàu đều được xử lý nhất quán trên toàn EU.
Các cơ quan điều tra sẽ được hỗ trợ để thực hiện công việc độc lập, hiệu quả và nhanh chóng hơn. Đồng thời, các định nghĩa và tham chiếu liên quan đến quy định quốc tế của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) được đồng bộ hóa, giúp tăng tính minh bạch và giảm bớt gánh nặng hành chính.
Chỉ thị về ô nhiễm từ tàu biển được sửa đổi để tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế vào luật EU, áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi xả thải trái phép. Phạm vi giám sát được mở rộng để bao gồm nước thải, rác, chất độc hại đóng gói, và chất thải từ hệ thống làm sạch khí thải.
Đáng chú ý, chế độ xử phạt hành chính được tách biệt khỏi xử phạt hình sự, giúp các quốc gia thành viên áp dụng biện pháp răn đe hiệu quả trên tất cả vùng biển châu Âu. Quy định mới này phù hợp với Công ước quốc tế MARPOL, đảm bảo sự rõ ràng và nhất quán trong bảo vệ môi trường biển
Chỉ thị sửa đổi về tuân thủ quy định của quốc gia treo cờ tập trung nâng cao hiệu quả giám sát tàu thuyền đăng ký tại EU. Các quốc gia treo cờ phải đảm bảo tàu của họ tuân thủ các công ước quốc tế của IMO, đồng thời ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả quản lý và báo cáo.
Đây là một bước đi nhằm nâng cao trách nhiệm của các quốc gia trong việc quản lý tàu thuyền, cải thiện chất lượng đội tàu và tăng tính minh bạch trong vận tải biển.
Kiểm soát nhà nước tại cảng (PSC) cũng được cập nhật để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Bản ghi nhớ Paris và các công ước IMO. Quy định mới mở rộng phạm vi kiểm tra tự nguyện đối với các tàu cá lớn (trên 24 mét), bảo vệ thủy thủ đoàn và môi trường biển.
EU cũng nhấn mạnh việc đảm bảo các cuộc kiểm tra được thực hiện đồng bộ và hiệu quả trên toàn khu vực, tạo nền tảng cho ngành vận tải biển chất lượng cao, an toàn và bền vững.
Theo baotintuc.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin