Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử bà Tulsi Gabbard làm Giám đốc Tình báo Quốc gia đang khiến không ít người lo ngại vì bà từng có một số quan điểm “ủng hộ” Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Bà Tulsi Gabbard phát biểu tại một sự kiện ở Clear Lake, bang Iowa. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vào năm 2022, bà Tulsi Gabbard đã tán thành một trong những lý do khiến nước Nga phải tiến hành cuộc chiến tại Ukraine liên quan đến phòng thí nghiệm sinh học của Ukraine do Mỹ tài trợ.
Tại thời điểm đó, Nga cáo buộc Ukraine đang sử dụng các phòng thí nghiệm do Mỹ tài trợ để tạo ra vũ khí sinh học chết người tương tự như COVID-19 có thể được sử dụng chống lại Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành cuộc chiến để bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng các phòng thí nghiệm kiểu này khá phổ biến, nằm trong nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh và ngăn chặn vũ khí sinh học.
Sau đó, bà Gabbard cho biết những bình luận trên của mình không nhằm cáo buộc Mỹ hoặc Ukraine về bất kỳ hành vi nào mà chỉ nêu lên sự lo lắng tới sự an toàn của các phòng thí nghiệm.
Ngoài ra, bà Gabbard từng nhận định viện trợ của Mỹ cho Ukraine đã gây nguy hiểm cho an ninh toàn cầu bằng cách chống lại Nga. Bà đã chỉ trích Tổng thống Ukraine Zelensky liên quan vấn đề tham nhũng và bày tỏ sự “đồng cảm” với quan điểm của Nga về Ukraine khi nước này muốn gia nhập NATO. Trong bài viết đăng trên mạng xã hội X vào năm 2022 khi Nga bắt đầu cuộc chiến, bà Gabbard viết: “Cuộc chiến tranh và đau khổ này có thể dễ dàng tránh được nếu Chính quyền Biden/NATO chỉ cần thừa nhận những lo ngại chính đáng về an ninh của Nga”.
Bà Gabbard cũng từng đứng ra bảo vệ mối quan hệ của ông Trump với một số lãnh đạo cấp cao các nước, trong đó có Tổng thống Nga Putin. Bà cho biết những mối quan hệ này thể hiện ông Trump có "lòng can đảm khi gặp gỡ những kẻ thù, đồng minh và đối tác để theo đuổi hòa bình, coi chiến tranh là giải pháp cuối cùng".
Những phát biểu của bà Gabbard về nước Nga đã nhận được sự hưởng ứng ở Moskva - nơi các phương tiện truyền thông nhà nước đã ca ngợi bà và thậm chí còn bông đùa rằng bà là “một điệp viên Nga”. Một bài báo được công bố trên RIA Novosti - hãng thông tấn nhà nước của Nga - đã gọi Gabbard là "siêu nhân"và nói rằng tình báo Ukraine coi bà "có thể là một điệp viên của các cơ quan tình báo Nga".
Thời gian gần đây, những bình luận trước đây của bà Gabbard đang thu hút sự quan tâm trở lại từ đảng Dân chủ và các nhà phân tích an ninh quốc gia. Những người này lo ngại rằng với tư cách là Giám đốc Tình báo Quốc gia tương lai, bà có thể “giúp” cho Nga giành chiến thắng, làm suy yếu Ukraine và an ninh quốc gia Mỹ cũng như gây nguy hiểm cho mối quan hệ tình báo với các đồng minh.
Đảng Dân chủ cho rằng những bình luận trên của bà Gabbard thể hiện khuynh hướng thân Nga và sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Mỹ nếu đề cử Giám đốc Tình báo quốc gia được Thượng viện xác nhận. Trong bài phát biểu của mình, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nói rằng: “Bạn có thực sự muốn bà ấy nắm giữ tất cả bí mật của Mỹ và các cơ quan tình báo quốc phòng của chúng ta khi bà ấy rõ ràng nằm trong túi của Putin không? Câu trả lời chắc chắn là không.”
Trong một bình luận liên quan, cựu Cố vấn An ninh quốc gia dưới thời ông Trump nhiệm kỳ đầu, John Bolton cho biết: "Bà Gabbard, giống như ông Gaetz, như một quả lựu đạn sẵn sàng phát nổ. Những người Cộng hòa lao vào những quả lựu đạn đó vì ông Trump đang mạo hiểm danh tiếng cá nhân và vị trí của họ trong lịch sử".
Bên cạnh đó vào năm 2017, bà Gabbard được biết đến từng có các cuộc gặp riêng với Tổng thống Syria Bashar Assad. Vấn đề này từng khiến nhiều cá nhân trong đó có các thành viên đảng Dân chủ thể hiện thái độ không đồng tình. Tại thời điểm đó, chuyến thăm của bà Gabbard bị một số thành viên đảng Dân đánh giá không khác gì là giúp hợp pháp hóa với ông Bashar Assad - một nhà lãnh đạo ủng hộ Nga và Iran ở Trung Đông.
Nhiều nhà phân tích nhận định những bình luận trước đây của bà Gabbard về Nga và Syria có thể sẽ được đề cập trong quá trình Thượng viện xác nhận tư cách Giám đốc Tình báo Quốc gia.
Tuy vậy, Thượng nghị sĩ John Cornyn của đảng Cộng hòa cho biết mặc dù ông có thắc mắc về những bình luận ấy nhưng ông không nghi ngờ lòng trung thành của bà. Ông nói: "Tôi chắc chắn muốn hỏi cô ấy về điều đó. Nhưng tôi không nghi ngờ gì rằng bà ấy là một người yêu nước. Bà ấy đã phục vụ quân đội Mỹ trong phần lớn thời gian".
Theo baotintuc.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin