Theo Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh, việc quân đội phương Tây bắn hạ tên lửa của Liên bang Nga trên bầu trời Ukraine sẽ lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột.
Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh. Ảnh cắt từ clip do Reuters phát |
Ngày 3/10, theo giờ địa phương, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh tuyên bố nếu các lực lượng phương Tây phá hủy tên lửa của Nga trên bầu trời Ukraine, thì hành động này sẽ lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột. Tuy nhiên, Kiev có khả năng tự vệ và Washington sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những sự hỗ trợ cần thiết.
Trả lời câu hỏi về khả năng bắn hạ tên lửa của Liên bang Nga từ lãnh thổ Ba Lan hoặc Romania, bà Singh nói: “Điều đó sẽ khiến chúng ta tham gia vào cuộc chiến theo một cách khác. Hiện tại, chúng tôi cảm thấy rằng Ukraine đã có thể phòng thủ thành công trước các cuộc tấn công của Liên bang Nga” .
Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đảm bảo rằng họ (Ukraine) nhận được sự hỗ trợ cần thiết để làm điều đó.”
Các phóng viên cũng hỏi liệu các nước phương Tây có thể giúp đánh chặn tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) trên bầu trời Ukraine, như trường hợp với Israel hay không.
Bà Singh nhấn mạnh: “Chúng ta đang nói về hai môi trường và chiến trường rất khác nhau. Tổng thống (Joe Biden) ngay từ đầu đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng cung cấp cho Ukraine những gì họ cần trên chiến trường. Họ đã rất thành công trong việc sử dụng các hệ thống phòng không và các khả năng khác để tiếp tục giành lại lãnh thổ. Tổng thống đã cam kết rằng Mỹ sẽ không đưa quân đến Ukraine, nhưng chúng tôi đang hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực giành lại lãnh thổ chủ quyền của họ”.
Theo bà Singh, Mỹ và các nước khác có nguồn dự trữ tên lửa tầm xa hạn chế, và yêu cầu quan trọng là phải đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu của Ukraine khi quyết định sử dụng loại vũ khí này. Tình báo Mỹ đã cảnh báo Washington và các đồng minh về những hậu quả nguy hiểm tiềm tàng khi cho phép Ukraine tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Liên bang Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây.
Theo hãng thông tấn nhà nước Liên bang Nga TASS, vào giữa tháng 9/2024, chính quyền Ba Lan cho biết họ sẵn sàng bắn hạ tên lửa trong không phận Ukraine vì họ coi việc tên lửa tiếp cận biên giới của mình là một mối đe dọa và hành động theo các quy định trong hiến pháp.
Khi bình luận về các tuyên bố tương tự trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, bà Maria Zakharova, cho rằng ý định của Vacsava cho thấy Ba Lan coi miền Tây Ukraine là một phần không thể tách rời của mình.
Sau đó, Phó Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mircea Geoana lưu ý liên minh này có thông lệ phải tham khảo ý kiến trước khi tham gia vào những hành động có thể gây ra hậu quả.
Trong một diễn biến khác, sau cuộc họp với với tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích các nước phương Tây chưa sẵn sàng bắn hạ tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) của Nga trên bầu trời Ukraine.
Theo baotintuc.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin