Ngày 18/9, Liên minh Vắc-xin (Gavi) đã công bố đợt đầu tiên sử dụng Quỹ Ứng phó khẩn cấp (FRF) nhằm ứng phó với dịch đậu mùa khỉ (mpox), theo đó Gavi ký thỏa thuận với hãng dược phẩm Bavarian Nordic của Đan Mạch để đảm bảo cung cấp 500 nghìn liều vắc-xin đậu mùa khỉ MVA-BN cho các quốc gia châu Phi đang trong vùng dịch.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại bệnh viện ở tỉnh Bắc Kivu, Cộng hòa Dân chủ Congo. (Ảnh THX/TTXVN) |
Giám đốc điều hành (CEO) của Gavi, cựu Bộ trưởng Y tế Pakistan, bà Sania Nishtar thông báo: "Chúng tôi đang rút tới 50 triệu USD từ Quỹ FRF", đồng thời cho biết thêm rằng số tiền này sẽ được sử dụng để trang trải chi phí mua vắc-xin và các chi phí chung bao gồm cả chi phí giao hàng và hậu cần". Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi đang làm mọi cách để đảm bảo rằng chúng tôi có thể phản ứng nhanh nhất".
Nishtar nhận định những bài học rút ra từ đại dịch COVID-19 đã giúp thế giới có vị thế tốt hơn nhiều để giải quyết đại dịch đậu mùa khỉ đang hoành hành ở châu Phi. Theo bà, những bài học quan trọng từ thảm họa COVID-19 “đã biến thành các công cụ đang được sử dụng" để chống lại đậu mùa khỉ.
Khi xuất hiện vào đầu năm 2020 và nhanh chóng lây lan trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 đã cho thấy cộng đồng quốc tế hoàn toàn không chuẩn bị để ứng phó với một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu như vậy. Đại dịch cũng làm sáng tỏ sự bất bình đẳng về vắc-xin trên toàn cầu, khi các quốc gia giàu có đã mua hết hầu hết các liều vắc-xin được sản xuất, nhiều hơn rất nhiều so với châu Phi. Hiện các nước vẫn đang tìm kiếm một hiệp ước đại dịch mới, có thể đảm bảo thế giới chuẩn bị tốt hơn vào lần tới.
Bà Nishtar nhấn mạnh: "Bài học rút ra từ COVID-19 là khi tình trạng khẩn cấp xảy ra, sẽ không có tiền". Vì vậy, tháng 6 vừa qua, Gavi đã thành lập Quỹ FRF trị giá 500 triệu USD để cung cấp tiền mặt nhanh chóng mua vắc-xin trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.
Mpox là bệnh do vi-rút lây truyền sang người từ động vật nhiễm nhưng cũng có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc gần. Triệu chứng bệnh gồm sốt, đau nhức cơ và tổn thương da lớn giống như nhọt, và có thể gây tử vong trong một số trường hợp.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc tế về mpox vào tháng 8, lo ngại nguy cơ gia tăng số ca nhiễm chủng Clade 1b mới ở CHDC Congo, lây lan sang các quốc gia lân cận. Từ tháng 1/8 năm nay, CHDC Congo đã ghi nhận gần 22 nghìn ca mắc và hơn 700 ca tử vong vì căn bệnh này.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC) đã kêu gọi 10 triệu liều vắc-xin cho châu Phi, song đến nay, chỉ có 3,6 triệu vắc-xin được đảm bảo cho châu lục này. Tuần trước,WHO đã cấp phép cho vắc-xin MVA-BN phòng mpox, mở đường cho việc đẩy nhanh quá trình đặt hàng mua của các tổ chức quốc tế.
Hồi tháng 6, Gavi cũng quyết định xây dựng kho dự trữ vắc-xin mpox toàn cầu, bắt đầu từ năm 2026, giống như đã làm với vắc-xin phòng bệnh tả, Ebola, viêm màng não và sốt vàng da. Gavi cũng đã khởi động một "chương trình tăng tốc" sản xuất vắc-xin cho châu Phi, có khả năng chi tới 1,2 tỷ USD trong 10 năm để đẩy nhanh quá trình mở rộng năng lực sản xuất vắc-xin trên lục địa.
Bà Nishtar khẳng định: "Nhìn chung, chúng ta đang ở trong một kịch bản tốt hơn nhiều so với thời COVID-19".
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin