Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 25/9 cảnh báo trong 30 năm tới, nhiều quốc đảo ở Thái Bình Dương có thể đối mặt tình trạng ngập lụt do mực nước biển tăng ít nhất 15cm, bất chấp các nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Theo những kịch bản phát thải khác nhau, các nhà nghiên cứu dự báo mực nước biển sẽ dâng cao ở Tuvalu, Kiribati, Fiji và Nauru, trong đó một số quốc gia có thể trải qua ngập lụt cục bộ vài lần trong năm, còn những quốc gia còn lại có thể bị ngập lụt trong gần nửa năm.
Tuvalu - với độ cao trung bình chỉ khoảng 2 mét trên mực nước biển, đang đứng trước nguy cơ lớn nhất, khi phần lớn diện tích quốc đảo này có thể bị ngập nước. Hiện 2 trong số 9 hòn đảo thuộc Tuvalu đã "biến mất" phần lớn diện tích.
Ngay cả trong kịch bản tốt nhất, nếu nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng tối đa 1,5 độ C, mực nước biển vẫn sẽ tăng 23cm vào năm 2054.
Theo những diễn biến hiện nay, Tuvalu có thể chứng kiến mực nước biển tăng tới 27cm và có thể lên đến 30cm trong kịch bản tồi tệ nhất.
Nhà nghiên cứu Ben Hamlington của NASA cho biết sự gia tăng mực nước biển thường không đồng đều giữa các khu vực do sự tan chảy của băng và địa hình ven biển, nhưng những dự báo cho các đảo Thái Bình Dương "lại nhất quán một cách đáng ngạc nhiên".
Theo Thủ tướng Tuvalu Feleti Teo, mặc dù chính phủ đã thực hiện những biện pháp như di dời các ngôi làng khỏi khu vực dễ bị ngập, nhưng hơn 600 cộng đồng vẫn có thể buộc phải tiếp tục di chuyển trong thời gian tới.
Với gần 1 tỷ người sống ở những khu vực ven biển thấp thế giới, tình hình càng trở nên đáng lo ngại khi biến đổi khí hậu tiếp tục đe dọa nền kinh tế và sự tồn tại của nhiều quốc gia. Các chuyên gia cảnh báo đây có thể là "thời khắc quyết định" cho các quốc gia Thái Bình Dương trong việc ứng phó với thách thức này.
Theo baotintuc.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin