Nhật Bản dự kiến phối hợp với các nước Đông Nam Á và Australia về các chính sách nhằm giảm phát thải carbon. Là quốc gia đề xuất sáng kiến thành lập “Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0” (AZEC), Nhật Bản đang đẩy mạnh nỗ lực khử carbon tại khu vực châu Á nói chung và nước này nói riêng, đồng thời thúc đẩy các kế hoạch đưa hệ thống giao dịch khí thải ra mắt vào năm 2026 nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải và chuyển đổi kinh tế xanh.
Ảnh minh họa. |
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản Ken Saito cùng các quan chức chính phủ từ AZEC gồm 11 thành viên đã họp tại Indonesia trong tháng 8 vừa qua nhằm thảo luận các biện pháp tập trung vào việc khử carbon trong sản xuất nhiệt điện trong bối cảnh than, khí đốt tự nhiên và các nhiên liệu hóa thạch khác chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu điện của châu Á. Ngoại trừ Myanmar, 9 thành viên ASEAN đã tham gia cơ chế này cùng với Nhật Bản và Australia. Bằng cách giảm phát thải carbon dioxide (CO2) trong toàn bộ chuỗi cung ứng, các thành viên AZEC mong muốn tăng lợi thế cạnh tranh của mình trong cộng đồng quốc tế trong bối cảnh nhu cầu khử carbon đang gia tăng.
Các thành viên AZEC cũng hợp tác trong việc chia sẻ kiến thức về khuôn khổ giao dịch phát thải của họ. Một trong những trọng tâm chính của hội nghị là việc phi carbon hóa các ngành công nghiệp năng lượng, nhất là ngành điện than. Các bộ trưởng AZEC cam kết thúc đẩy việc sử dụng các nguồn tài nguyên như sinh khối và hỗ trợ quy định về thu giữ và lưu trữ carbon dioxide. Các đối tác AZEC sẽ phát triển một lộ trình cho nhu cầu và nguồn cung nhiên liệu bền vững ở châu Á dựa trên các nghiên cứu khả thi trong lĩnh vực vận tải, bao gồm cả lĩnh vực hàng không, đồng thời hỗ trợ việc xây dựng các chính sách và biện pháp thúc đẩy phi carbon hóa trong các khu công nghiệp.
Việc xây dựng phát triển thị trường carbon là giải pháp quan trọng đóng góp vào tiến trình giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, là động lực quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon, đưa phát thải ròng về mức 0. Là quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi kinh tế xanh, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch triển khai hệ thống giao dịch khí thải trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2026. Trước khi nhu cầu giao dịch khí thải dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2026, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE), do Japan Exchange Group (JPX) quản lý, đã bắt đầu vận hành giao dịch tín chỉ carbon từ tháng 10/2023 như một phần trong nỗ lực định giá khí thải theo cách minh bạch và định hướng thị trường.
Sau gần 1 năm ra mắt, hoạt động giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon của TSE đang dần khởi sắc trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến việc sử dụng thị trường này để đạt được mục tiêu giảm phát thải. Hoạt động này khuyến khích các công ty nhanh chóng giảm phát thải thông qua định giá carbon, một công cụ chính sách tăng thêm giá trị cho các sản phẩm và doanh nghiệp thân thiện với môi trường. Một nhóm chuyên gia do Chính phủ Nhật Bản tập hợp đã bắt đầu thảo luận về các chi tiết của hệ thống từ đầu tháng 9 này.
Trong khi đó, hướng tới mục tiêu đạt được phát thải ròng bằng 0 từ các hộ gia đình và mức tiêu thụ điện dân dụng khác vào tháng 4/2030 tại các thành phố của Nhật Bản, Chính phủ nước này đã chỉ định hàng chục thành phố là “khu vực giảm phát thải carbon tiên tiến”. Trong 2 năm tính đến năm tài chính 2023 (kết thúc vào ngày 31/3/2024), Chính phủ Nhật Bản đã chọn 73 địa điểm tại 36 tỉnh theo sáng kiến này và có kế hoạch tăng số khu vực được chỉ định lên ít nhất 100 vào năm tài chính 2025. Các khoản tài trợ dành cho chính quyền địa phương đang được sử dụng để hỗ trợ các nỗ lực giảm phát thải CO2 và các chương trình phục hồi khu vực, với trọng tâm là năng lượng tái tạo.
Đến nay, tổng cộng có 292 doanh nghiệp ở Nhật Bản tham gia thị trường carbon của TSE, tăng từ con số 188 tại thời điểm ra mắt. Trưởng phòng Thị trường tín dụng carbon của TSE Takumi Matsuo cho biết có nhiều động lực hơn mong đợi và nhu cầu chính của những người tham gia tại thời điểm này là bù đắp lượng khí thải. Họ cũng đang theo dõi xu hướng giá để chuẩn bị cho thời điểm hệ thống giao dịch khí thải đi vào hoạt động đầy đủ. Thị trường TSE hiện chỉ xử lý giao dịch tín dụng được Chính phủ Nhật Bản chứng nhận, hay J-Credits, được tạo ra với tốc độ khoảng 1 triệu tấn mỗi năm.
Hơn 470 nghìn tấn carbon đã được giao dịch cho đến nay, phần lớn trong số đó được tạo ra thông qua các biện pháp cải thiện hiệu quả năng lượng hoặc đưa năng lượng tái tạo vào sử dụng. Mặc dù khối lượng hiện nay vẫn chưa thể so được với các thị trường carbon đã có ở các nước phát triển khác như châu Âu hay Hàn Quốc, nơi hàng triệu tấn được giao dịch mỗi năm, song thị trường này được kỳ vọng sẽ sôi động hơn ở Nhật Bản trong thời gian tới.
Với nỗ lực đưa ra các sáng kiến khử carbon trong nước và khu vực, cùng với việc dự kiến ra mắt hệ thống giao dịch khí thải từ năm 2026, Nhật Bản đang thúc đẩy hoàn thành mục tiêu lớn hơn là giảm phát thải ròng xuống mức 0 vào năm 2050, đưa nền kinh tế lớn thứ tư thế giới trở thành một trong những quốc gia đi đầu chuyển đổi xanh.
Theo Nhân Dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin