Các chuyên gia băn khoăn về những "ranh giới đỏ" mơ hồ mà Liên bang Nga đưa ra trong đề xuất sửa đổi học thuyết hạt nhân của nước này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ IX ở Vladivostok, Nga, ngày 5/9/2024. Ảnh: AA/TTXVN |
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo về vũ khí hạt nhân. Ngay trước hôm bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhà lãnh đạo Điện Kremlin đã chủ trì buổi diễn tập tấn công hạt nhân và kể từ đó, những lời đe dọa về vũ khí hạt nhân của Nga đã khiến các quan chức Mỹ phải cảnh giác.
Tuần này, Tổng thống Putin một lần nữa gây chú ý khi tiết lộ những thay đổi được đề xuất đối với học thuyết hạt nhân của đất nước mình. Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga ngày 25/9, ông cho biết Moskva sẽ sửa đổi học thuyết để có khả năng hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời nói thêm rằng Moskva sẽ coi một cuộc tấn công của một quốc gia phi hạt nhân có sự tham gia hoặc được một quốc gia hạt nhân hỗ trợ là "một cuộc tấn công chung chống lại Liên bang Nga".
Ông Putin lưu ý rằng, Nga có thể cân nhắc trả đũa hạt nhân "khi chúng tôi nhận được thông tin đáng tin cậy về một vụ phóng hàng loạt vũ khí tấn công trên không và vũ trụ và chúng vượt qua biên giới quốc gia của chúng tôi. Ý tôi là máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, UAV, máy bay siêu vượt âm và các loại máy bay khác".
Nói một cách ngắn gọn, Nga đang đưa ra lời cảnh báo cho Washington và những nước ủng hộ Ukraine khác. Việc sửa đổi học thuyết diễn ra khi Ukraine (một quốc gia phi hạt nhân) đang gây sức ép với Mỹ về cho phép sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu hơn vào bên trong nước Nga.
Việc sửa đổi học thuyết rõ ràng nhằm mục đích khiến các nhà hoạch định chính sách phương Tây phải suy nghĩ kỹ khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trình bày "kế hoạch chiến thắng" của mình với chính quyền Mỹ. Moskva ngụ ý rằng cái giá tiềm tàng cho việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể quá cao đối với phương Tây.
Thông báo thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga đã gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi trực tuyến, nơi các chuyên gia kiểm soát vũ khí cố gắng phân tích ngôn từ của Tổng thống Putin về ngưỡng trả đũa hạt nhân.
Pavel Podvig, một chuyên gia về lực lượng hạt nhân của Nga, đã viết trên mạng X rằng có một "sự mơ hồ cố ý" trong thông báo, đặc biệt là xung quanh việc học thuyết định nghĩa thế nào là hành vi "xâm lược nước Nga".
“Trong phiên bản hiện tại của học thuyết hạt nhân của Nga, không có sự phân biệt giữa hành động xâm lược của quốc gia có vũ khí hạt nhân và không có vũ khí hạt nhân”, ông Podvig viết. “Tất cả những gì họ nêu là một hành động xâm lược đe dọa đến sự tồn tại của đất nước”.
Ông Podvig lưu ý rằng Nga đã từng đảm bảo rằng Moskva sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không có vũ khí hạt nhân, ngoại trừ một trường hợp: khi quốc gia đó hành động “liên kết hoặc liên minh với một quốc gia có vũ khí hạt nhân”. Điều này khiến các "lằn ranh đỏ" của Moskva càng trở nên mơ hồ.
“Ngôn ngữ được thiết kế cho tình huống rất cụ thể mà chúng ta đang gặp phải”, ông Podvig viết. “Chúng ta biết những quốc gia có vũ khí hạt nhân và không có vũ khí hạt nhân này là ai”.
Bà Mariana Budjeryn, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Belfer của Trường Harvard Kennedy, cho rằng các lằn ranh đỏ có thể chủ yếu tồn tại trong đầu Tổng thống Putin.
“Có hai điểm đáng chú ý so với học thuyết quân sự Nga năm 2020 trước đó”, bà Budjeryn viết trên mạng X. “Học thuyết năm 2020 cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả hành động xâm lược thông thường, gây nguy hiểm cho sự tồn tại của nhà nước. Giờ đây, điều này đã được nới lỏng xuống ‘mức đe dọa cực độ đến chủ quyền của nhà nước’. Điều đó có nghĩa là gì? Ai định nghĩa những mối đe dọa này là gì? ‘Hành động xâm lược thông thường’ đã được chỉ định cụ thể hơn, bao gồm cả một cuộc tấn công đường không lớn. Ai định nghĩa thế nào là 'lớn' hoặc ‘đủ lớn”? Chỉ có thể là ông Putin.”
Điểm mấu chốt cho những thay đổi đối với học thuyết quân sự, theo ông Budjeryn, "bớt đi những điều cụ thể, trong khi cung cấp nhiều không gian diễn giải hơn cho giới lãnh đạo Nga để xác định các trường hợp sử dụng hạt nhân."
"Điểm mấu chốt ở đây là: hành động truyền đạt 'học thuyết của chúng ta đang thay đổi' hiện đã thu hút sự chú ý của thế giới, với thông điệp ngầm: các bạn nên lo lắng đi là vừa", Kristin Ven Bruusgaard, giám đốc Trường Tình báo Na Uy, người có nghiên cứu học thuật tập trung vào chiến lược hạt nhân của Nga, đã viết trên X.
"Nội dung bài phát biểu của ông Putin không quá hoành tráng; một số vấn đề được xử lý chi tiết hơn trước, nhưng mức độ chi tiết của ngưỡng hạt nhân vẫn mơ hồ như trước”, ông Bruusgaard nói thêm. Ông lưu ý rằng cũng không rõ học thuyết sửa đổi thực tế sẽ như thế nào. “Câu hỏi chính là bây giờ thì sao? Chúng ta sẽ thấy Nga đưa ra một tài liệu, liệu nó có chứa nhiều hơn những gì ông Putin đã tuyên bố không?”
Cuối cùng, cần nhớ rằng Ukraine đã tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, bao gồm các cuộc tấn công bằng UAV vào thủ đô của Nga và một cuộc tấn công gần đây nhằm vào một kho đạn dược của Nga.
Trước đó, Ukraine và phương Tây đã vượt qua nhiều "lằn ranh đỏ" trong cuộc xung đột ở Ukraine. Chẳng hạn, năm 2022, Mỹ từng trì hoãn việc cung cấp ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân) vì lo ngại Nga sẽ coi đây là sự leo thang. Tuy nhiên, đến tháng 10/2023, Mỹ đã đồng ý cung cấp một phiên bản với tầm bắn tối đa 165km, tiếp theo đó là phiên bản tầm xa hơn được giao vào đầu năm nay, với tầm bắn 300km.
Đến tháng 7/2024, một "lằn ranh đỏ" khác của Nga tiếp tục bị xóa nhòa khi các phi công Ukraine nhận được những chiếc F-16 đầu tiên.
Ngoài ra, Ukraine cũng liên tục yêu cầu các quốc gia đồng minh viện trợ thêm xe tăng chiến đấu. Ban đầu thỏa thuận cung cấp xe tăng bị trì hoãn do Đức lo ngại động thái này có thể bị Nga coi là leo thang xung đột. Tuy vậy, việc chuyển giao được chấp thuận sau cuộc đàm phán kéo dài vào tháng 1/2023 và Berlin đã chuyển cho Ukraine xe tăng Leopard 2 từ kho dự trữ của các nước khác cũng như của chính họ.
Theo baotintuc.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin