Xung đột gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng

08:06, 27/08/2024

Vòng xoáy xung đột cũ - mới đan xen đã phủ lên bức tranh kinh tế Trung Đông những gam màu u ám. Đáng lo ngại, “đám mây đen” đó có thể tiếp tục lan rộng, thậm chí vượt ra ngoài phạm vi khu vực, đe dọa cản trở đà phục hồi vốn mong manh của nền kinh tế thế giới. 

Ảnh minh họa. (Nguồn REUTERS)
Ảnh minh họa. (Nguồn REUTERS)

Căng thẳng tại Trung Đông không ngừng tăng nhiệt đã kéo theo những tổn thất nghiêm trọng đối với kinh tế hầu hết quốc gia trong khu vực. Mặc dù có nền tảng vững chắc, song nền kinh tế Israel đã bị lung lay trước làn sóng xung đột. Cơ quan Thống kê Israel vừa công bố số liệu cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2024 chỉ tăng 1,2%, thấp hơn nhiều so mức dự báo 4,4% được đưa ra trước đó. Các khoản chi tiêu quân sự, sơ tán người dân và bồi thường cho doanh nghiệp bị thiệt hại khiến thâm hụt ngân sách quốc gia tăng cao kỷ lục.

Cuộc chiến ở Dải Gaza cũng làm nản lòng giới đầu tư, đồng thời khiến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Israel giảm mạnh. Với những “điểm trừ” đó, mới đây, hãng Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín dụng của Israel từ A+ xuống A, với triển vọng tiêu cực. Kinh tế Palestine cũng ở trong tình thế rất khó khăn, khi suy giảm 29% kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát hồi đầu tháng 10/2023. Tỷ lệ nghèo đói ở Gaza hiện lên tới hơn 60%, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề và khó có thể khôi phục trong một sớm một chiều. 

Trong khi đó, chiến sự gia tăng cũng là đòn giáng mạnh lên kinh tế Liban, vốn suy yếu sau nhiều năm bất ổn. Giới chuyên gia nhận định, nền kinh tế Liban đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn do xung đột. Tình trạng “quay lưng” của du khách quốc tế khiến ngành du lịch, vốn được coi là xương sống của nền kinh tế, rơi vào tình cảnh lao đao, kéo theo những hệ lụy khôn lường. Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Amin Salam nhận định, nền kinh tế Liban đối mặt tình thế hết sức nguy hiểm, nhất là khi chính phủ đang chuẩn bị cho kịch bản chiến sự, với tổn thất có thể lên tới hàng tỷ USD.

Không chỉ tác động sâu sắc đối với khu vực, giới phân tích cho rằng, xung đột tại Trung Đông có thể gây hiệu ứng trên diện rộng, làm chao đảo nền kinh tế thế giới, vốn chỉ mới chớm phục hồi sau đại dịch COVID-19. Mối đe dọa lớn nhất là nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ dẫn đến giá dầu tăng đột biến. Hiện Trung Đông vẫn là trung tâm sản xuất dầu mỏ của thế giới và những bất ổn do xung đột có thể ảnh hưởng đến giá năng lượng, vốn dễ biến động do căng thẳng địa chính trị. Vì vậy, chiến sự tại Trung Đông gia tăng cũng kéo theo nguy cơ dòng chảy năng lượng bị gián đoạn, khiến sản xuất bị trì hoãn và lạm phát tăng cao, tác động tiêu cực đến nhiều nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Giá năng lượng leo thang cũng có thể gây cú sốc lạm phát mới cho nền kinh tế toàn cầu, giáng một đòn mạnh vào nỗ lực ghìm cương lạm phát của các ngân hàng trung ương trong thời gian qua. Bên cạnh đó, theo nhà kinh tế Maya Senussi thuộc công ty tư vấn Oxford Economics, các ngành vận tải và bán lẻ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu toàn bộ khu vực Trung Đông rơi vào miệng hố chiến tranh. Hiện lực lượng phiến quân Houthi, đang kiểm soát phần lớn Yemen, tiếp tục tăng cường tấn công các tàu thương mại trên Biển Đỏ. Biển Đỏ được xem là tuyến đường huyết mạch trong vận tải hàng hóa quốc tế, khi nối Địa Trung Hải qua kênh đào Suez ở phía bắc và nối Vịnh Aden của Ấn Độ Dương qua eo biển Bab al-Mandab ở phía nam, hình thành nên tuyến vận tải biển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Vì vậy, những vụ tấn công của Houthi đã gây thiệt hại lớn, khiến nhiều hãng vận tải biển phải định tuyến lại lộ trình di chuyển, thực hiện những hải trình dài hơn như tuyến đường qua mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi, dẫn đến chi phí và thời gian vận tải tăng lên đáng kể. 

Liên hợp quốc cảnh báo, hậu quả kinh tế của kịch bản xung đột lan rộng tại Trung Đông là rất nghiêm trọng. Nếu các bên không kiềm chế dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện, nền kinh tế của các quốc gia trong khu vực và thế giới sẽ gánh chịu những tổn thất nặng nề.

Theo Báo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com