Mỹ đang có lợi thế trong việc sử dụng cơ sở hạ tầng không gian bao gồm tàu vũ trụ và vệ tinh mang nhiều mục đích về cả thương mại, khoa học lẫn quân sự.
Vệ tinh của Mỹ hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất. Ảnh: Spaceforce.mil |
Điện Kremlin cho biết các lực lượng đặc nhiệm của nước này đang theo dõi chương trình quân sự của Mỹ trên không gian.
“Đầu tiên, các lực lượng đặc nhiệm của chúng tôi đang làm nhiệm vụ. Thứ hai, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh tới việc chúng tôi đã không thể thống nhất trong thông qua một nghị quyết đúng đắn về không gian”, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 21/5 cho biết sau khi Mỹ và Anh cùng một số quốc gia khác bỏ phiếu phản đối đề xuất nghị quyết mà Nga đưa ra về việc ngăn chặn cuộc đua vũ khí trong không gian.
Nghị quyết được đề xuất đã không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), với số phiếu ủng hộ-phản đối ngang bằng (7-7) và một nước bỏ phiếu trắng.
Theo ông Dmitry Stefanovich làm việc tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, động thái của Mỹ và Anh nhằm ngăn chặn dự thảo nghị quyết của Nga tại HĐBA LHQ xuất phát từ việc Mỹ không sẵn sàng để các sáng kiến cấm sử dụng vũ khí không gian của Nga và Trung Quốc thành công. Ông Stefanovich giải thích trong khi Nga và Trung Quốc, cũng như một số quốc gia khác, nhất quyết thông qua một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý mà sẽ cấm hành động bố trí hệ thống vũ khí trong không gian, thì các cường quốc phương Tây như Mỹ lại muốn bất cứ ai cũng có thể triển khai bất cứ thứ gì trong không gian miễn là hành vi được cho là đúng.
Liên quan đến suy đoán về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trên quỹ đạo, ông Stefanovich chỉ ra rằng Mỹ đang có lợi thế trong việc sử dụng cơ sở hạ tầng không gian bao gồm tàu vũ trụ và vệ tinh mang nhiều mục đích về cả thương mại, khoa học lẫn quân sự.
Theo ông Stefanovich, việc phá hủy các chùm vệ tinh lớn bằng các phương tiện thông thường là một nhiệm vụ khó khăn nên điều này làm nảy sinh mối lo ngại rằng vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng để thực hiện những nhiệm vụ đó.
Ông Stefanovich chỉ ra mọi tiến bộ trong việc giải quyết những lo ngại về việc triển khai vũ khí trong không gian trong vài năm qua về cơ bản đã bị hủy bỏ trong bối cảnh xung đột đang ngày càng căng thẳng giữa phương Tây và Nga, cũng như đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Hiện tại, mọi bên đều đang tìm cách làm suy yếu đối thủ hơn là tìm kiếm một giải pháp nào đó mà cả hai bên đều có thể chấp nhận”, chuyên gia kết luận.
Theo baotintuc.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin