Phần đầu của dự thảo bao gồm một loạt thỏa thuận giữa Mỹ và Saudi Arabia, trong đó có các bảo đảm quốc phòng và hợp tác hạt nhân dân sự.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan (phải) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Riyadh ngày 29/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo kênh CBS News ngày 20/5, Mỹ và Saudi Arabia chỉ còn "vài ngày nữa" để hoàn tất các tài liệu nhằm tạo nên một thỏa thuận song phương lịch sử, vốn từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Joe Biden, vì nó sẽ bắt đầu một lộ trình song song nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel.
Nguồn tin trên dẫn lời một quan chức Mỹ xác nhận rằng nhiều tiến bộ đã đạt được vào cuối tuần trước trong cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan và Thái tử Mohammad bin Salman ở Dhahran, nơi có tập đoàn dầu khí khổng lồ Saudi Aramco do nhà nước Saudi Arabia điều hành.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia mô tả dự thảo thỏa thuận sắp hoàn thiện "gần như là phiên bản cuối cùng".
Phần đầu của dự thảo bao gồm một loạt thỏa thuận giữa Mỹ và Saudi Arabia, với các bảo đảm quốc phòng và hợp tác hạt nhân dân sự. Chính quyền Biden đang củng cố mối quan hệ với Saudi Arabia vào thời điểm Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông.
Phần thứ hai nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào nội dung phức tạp và đầy tham vọng thứ ba là tạo ra con đường dẫn đến một nhà nước Palestine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây đã mô tả điều đó đòi hỏi cả “sự lắng dịu tình hình ở Gaza” và “con đường đáng tin cậy dẫn đến một nhà nước Palestine”. Ông Sullivan cùng các quan chức khác trong chính quyền Biden cũng đã tới Israel ngày 19/5 và dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về thỏa thuận được đề xuất.
Một nguồn tin từ Saudi Arabia nêu rõ rằng không thể thúc đẩy thoả thuận nếu không có giải pháp hai nhà nước bao gồm quyền tự trị của người Palestine ở cả Bờ Tây và Gaza. Gạt vấn đề Palestine sang một bên gần như là điều không thể hiện nay do sự phản đối rộng rãi trong thế giới Arab sau những thương vong dân sự cũng như tình hình nhân đạo thảm khốc với người Palestine ở Gaza kể từ khi Israel tiến hành chiến dịch tấn công Hamas vào tháng 10 năm ngoái.
Các quan chức trong chính quyền Biden hy vọng rằng ông Netanyahu đang gặp khó khăn về mặt chính trị sẽ coi chiến thắng quan trọng về an ninh và ngoại giao trong việc bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia là cơ hội và lý do để đạt được thỏa hiệp trong các vấn đề về Palestine.
Ở Mỹ, chính quyền Biden cũng đang chịu "áp lực ngày càng tăng" để hoàn tất thỏa thuận vì chỉ còn vài tuần nữa là đến kỳ nghỉ của quốc hội và một thỏa thuận an ninh sẽ phải được đệ trình trước để thông qua.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsay Graham - một người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - cũng đã tới khu vực và thúc ép đạt được thỏa thuận ngoại giao trên, vốn được xây dựng dựa trên cấu trúc của Hiệp định Abraham thời Trump, giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và nhiều nước láng giềng trong khu vực nhưng không có Saudi Arabia.
Mặc dù về mặt lý thuyết, ông Trump cũng có thể theo đuổi thỏa thuận Israel - Saudi Arabia nếu ông trở lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay, nhưng ông có thể khó thuyết phục đảng Dân chủ bỏ phiếu cho thỏa thuận đó hơn. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, ông Trump thường xuyên ca ngợi di sản của mình ở Trung Đông.
Theo baotintuc.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin