Tên lửa và máy bay không người lái của Iran đã bị theo dõi ngay từ khi chúng được phóng bởi các radar cảnh báo sớm ở các quốc gia vùng Vịnh có liên kết với trung tâm tác chiến của Mỹ ở Qatar.
Mỹ đã tái triển khai các tài sản quân sự ở Trung Đông trước cuộc tấn công tiềm tàng của Iran nhằm vào Israel. Ảnh: AFP/TTXVN |
Khi hàng trăm máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của Iran bay trên khắp bầu trời Trung Đông nhằm vào Israel cuối tuần qua, một tuyến phòng thủ gồm radar, máy bay chiến đấu, tàu chiến, các khẩu đội phòng không từ Israel, Mỹ cùng các nước khác đã được kích hoạt để ứng phó, theo tờ Wall Street Journal ngày 15/4.
Việc kích hoạt hệ thống phòng thủ tập thể trên là kết quả của mục tiêu kéo dài hàng thập kỷ nhưng đầy khó khăn của Mỹ nhằm củng cố mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn giữa Israel và các đối thủ Arab lâu năm của họ, trong nỗ lực chống lại mối đe dọa chung ngày càng tăng.
Trên thực tế, nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm bảo vệ Israel trong những ngày và giờ trước cuộc tấn công của Iran đã phải vượt qua nhiều trở ngại, bao gồm cả những lo lắng của các nước vùng Vịnh khi bị coi là hỗ trợ Israel vào thời điểm các mối quan hệ đang căng thẳng nghiêm trọng do cuộc chiến ở Gaza.
Lực lượng Israel và Mỹ đã đánh chặn hầu hết máy bay không người lái và tên lửa của Iran. Nhưng họ có thể làm như vậy một phần vì các nước Arab đã bí mật chuyển thông tin tình báo về kế hoạch tấn công của Tehran, mở không phận cho máy bay chiến đấu, chia sẻ thông tin theo dõi radar hoặc, trong một số trường hợp, cung cấp lực lượng của chính họ để hỗ trợ.
Các quan chức Mỹ cho biết, hoạt động này là "đỉnh cao" của nhiều năm nỗ lực từ Mỹ nhằm phá bỏ các rào cản chính trị và kỹ thuật vốn cản trở hợp tác quân sự giữa Israel và các chính phủ Arab dòng Sunni. Thay vì một "liên minh NATO phiên bản Trung Đông", Mỹ đã tập trung vào hợp tác phòng không toàn khu vực không mang nhiều tính chính thức hơn để ngăn chặn kho vũ khí máy bay không người lái và tên lửa ngày càng tăng của Tehran - những vũ khí đã tấn công Israel cuối tuần qua.
Những nỗ lực nhằm xây dựng một hệ thống phòng không tích hợp cho khu vực đã có từ nhiều thập kỷ trước. Sau nhiều năm khởi đầu sai lầm và đạt được ít tiến bộ, sáng kiến này đã đạt được động lực sau Hiệp định Abraham năm 2020 do chính quyền Mỹ thời Tổng thống Donald Trump làm trung gian, thiết lập mối quan hệ chính thức giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain.
Hai năm sau đó, Lầu Năm Góc chuyển Israel từ Bộ Tư lệnh châu Âu sang Bộ Tư lệnh Trung ương (CENTCOM - phụ trách khu vực Trung Đông), một động thái cho phép hợp tác quân sự lớn hơn với các chính phủ Arab dưới sự bảo trợ của Mỹ.
Dana Stroul, người cho đến tháng 12 năm ngoái vẫn là quan chức dân sự cấp cao nhất tại Lầu Năm Góc chịu trách nhiệm về Trung Đông, cho biết: “Việc Israel chuyển sang CENTCOM là một thay đổi lớn”, giúp việc chia sẻ thông tin tình báo và đưa ra cảnh báo sớm giữa các quốc gia trở nên dễ dàng hơn.
Vào tháng 3/2022, Tướng Thủy quân lục chiến Frank McKenzie, khi đó là chỉ huy hàng đầu của Mỹ trong khu vực, đã triệu tập một cuộc họp bí mật với các quan chức quân sự hàng đầu từ Israel và các nước Arab để tìm hiểu cách họ có thể phối hợp chống lại khả năng tên lửa và máy bay không người lái ngày càng tăng của Iran. Cuộc đàm phán được tổ chức tại Sharm El Sheikh, Ai Cập, đánh dấu lần đầu tiên một loạt sĩ quan cấp cao của Israel và các nước Arab gặp nhau dưới sự bảo trợ của quân đội Mỹ để thảo luận về việc ứng phó với Iran.
Một quan chức cấp cao của Israel cho biết: “Hiệp định Abraham đã khiến Trung Đông khác biệt bởi vì chúng tôi có thể làm những việc không chỉ công khai mà cả bí mật. Việc gia nhập CENTCOM thậm chí còn cho phép hợp tác kỹ thuật nhiều hơn với các chính phủ Arab. Đó là cách đã tạo ra liên minh này”.
Bilal Saab, cựu quan chức Lầu Năm Góc từng làm việc về hợp tác an ninh ở Trung Đông, cho rằng còn quá sớm để nói về hội nhập an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, các quan chức Israel và Mỹ cho biết, sự hợp tác giữa Tel Aviv và các chính phủ Arab về phòng không với Mỹ làm trung gian đã trở nên thường xuyên hơn, ngay cả với Saudi Arabia, quốc gia vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.
Liên minh phòng không "non trẻ" này chưa bao giờ được thử nghiệm trên chiến trường cho đến ngày 1/4, khi một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào tòa nhà lãnh sự của Iran ở Damascus, Syria. Theo các quan chức Saudi Arabia và Ai Cập, sau khi Tehran tuyên bố sẽ đáp trả, các quan chức cấp cao của Mỹ bắt đầu thúc ép các chính phủ Arab chia sẻ thông tin tình báo về kế hoạch tấn công Israel của Iran và hỗ trợ đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa phóng từ Iran và các nước khác tới Israel.
Hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel đã cho thấy khả năng bảo vệ nước này trước các đợt tấn công riêng lẻ hoặc nhỏ của máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, các quan chức và nhà phân tích cho rằng hệ thống phòng không của Israel có thể bị áp đảo bởi các cuộc tấn công "bầy đàn" hay đồng loạt với nhiều loại máy bay không người lái hoặc một loạt tên lửa khổng lồ.
Phản ứng ban đầu từ một số chính phủ các nước Arab là cảnh giác, lo ngại rằng việc hỗ trợ cho Israel có thể khiến họ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột và có nguy cơ bị Tehran trả đũa. Sau các cuộc đàm phán tiếp theo với Mỹ, UAE và Saudi Arabia đã đồng ý chia sẻ thông tin tình báo một cách riêng lẻ, trong khi Jordan cho biết họ đồng ý cho phép máy bay chiến đấu của Mỹ và các nước khác sử dụng không phận của mình và sử dụng máy bay của riêng mình để hỗ trợ đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái của Iran.
Hai ngày trước vụ tấn công, các quan chức Iran đã thông báo cho Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác về phác thảo và thời gian của kế hoạch tấn công quy mô lớn vào Israel, các quan chức cho biết. Thông tin này đã được chuyển tới Mỹ, đưa ra cảnh báo trước quan trọng cho Washington và Israel.
Theo quan chức cấp cao của Israel, với một cuộc tấn công gần như chắc chắn của Iran, Nhà Trắng đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc tái bố trí các tài sản quân sự như máy bay và hệ thống phòng thủ tên lửa tới khu vực, đồng thời dẫn đầu trong việc điều phối các biện pháp phòng thủ giữa Israel và các chính phủ Arab. Quan chức này tiết lộ: “Thách thức lớn là đưa tất cả các quốc gia đó đến xung quanh Israel vào thời điểm Israel bị cô lập trong khu vực. Đó là một vấn đề về ngoại giao".
Yasmine Farouk, thành viên không thường trú tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, cho biết các nước Arab đã đề nghị giúp đỡ ứng phó với các cuộc tấn công của Iran vì họ thấy được lợi ích của việc hợp tác với Mỹ và Israel, miễn là họ vẫn giữ im lặng. Bà nói: “Các quốc gia vùng Vịnh biết rằng họ vẫn không nhận được mức hỗ trợ như Israel nhận được từ Mỹ và xem những gì họ đã làm vào đêm 13/4 như một cách để đạt được điều đó trong tương lai”.
Như vậy, tên lửa và máy bay không người lái của Iran đã bị theo dõi ngay từ khi chúng được phóng bởi các radar cảnh báo sớm ở các quốc gia vùng Vịnh có liên kết với trung tâm tác chiến của Mỹ ở Qatar, nơi truyền thông tin tới các máy bay chiến đấu ở Jordan và các quốc gia khác, cũng như tới các tàu chiến trên biển và các khẩu đội phòng thủ tên lửa ở Israel.
Các quan chức cho biết, khi các máy bay không người lái của Iran bay vào tầm bắn, chúng bị bắn hạ, chủ yếu là do máy bay chiến đấu của Israel và Mỹ và một số lượng nhỏ hơn bởi máy bay chiến đấu của Anh, Pháp và Jordan.
Máy bay Mỹ đã bắn hạ hơn 70 máy bay không người lái và hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ ở phía đông Địa Trung Hải đã đánh chặn tới 6 tên lửa của Iran. Quân đội Israel cho biết trong số hơn 300 máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được Iran bắn về phía Israel, chỉ có một số ít tên lửa rơi xuống Israel, gây thiệt hại nhỏ cho một căn cứ quân sự ở miền nam nước này.
Một quan chức Israel tham gia vào các nỗ lực hợp tác an ninh khu vực thừa nhận, mặc dù trước đây họ thường xuyên chia sẻ thông tin tình báo về các mối đe dọa trong phòng không, nhưng cuộc tấn công của Iran hôm 13/4 “là lần đầu tiên liên minh này hoạt động hết công suất”.
Theo baotintuc.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin