Hồi tháng 1-2024, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá “nền kinh tế thế giới đã được chứng minh là có khả năng phục hồi đáng kể” và năm 2024 sẽ có thêm động lực nhờ hiệu quả hoạt động tốt hơn một chút so với dự đoán vào năm ngoái. Đúng như nhận định này, báo cáo triển vọng kinh tế mà IMF công bố ngày 16-4 đã nâng nhẹ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay lên 3,2%, so với 3,1% trước đó, nhờ hoạt động kinh tế mạnh mẽ ở Mỹ và một số thị trường mới nổi.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong buổi công bố báo cáo, bà Georgieva đã phải thốt lên: “Thật là muốn thở phào. Chúng ta đã tránh được nguy cơ suy thoái toàn cầu và cũng là một giai đoạn lạm phát đình trệ”. Tuy nhiên, bên cạnh sự nhẹ nhõm vẫn còn có những thất vọng, bà nói: “Thực tế đáng lo ngại là hoạt động kinh tế toàn cầu đang yếu so với các tiêu chuẩn lịch sử”. Tăng trưởng toàn cầu năm ngoái là 3,2%. Và không chỉ trong năm nay, mà còn trong năm tới, IMF dự kiến mức tăng trưởng cũng là 3,2% - con số không cao so với tiêu chuẩn toàn cầu với mức trung bình trong lịch sử là 3,8%.
Kinh tế Mỹ được dự báo tích cực hơn cả với mức tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 2,7% cao hơn so với 2,1% hồi tháng 1. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng tốc trở lại sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 2,5% vào năm 2023. “Sức khoẻ” của kinh tế Mỹ bù đắp cho sự “ốm yếu” của những khu vực khác, như Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone). IMF hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone xuống 0,8%, từ mức 0,9%, chủ yếu do nền kinh tế đầu tàu là Đức yếu kém.
Hàng loạt nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển như Ấn Độ và Brazil cũng cho thấy sức bền và khả năng phục hồi mạnh mẽ trước tình hình ảm đạm của kinh tế toàn cầu năm 2023. Mặc dù tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm nay có thể giảm nhẹ so với năm ngoái do sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc, song khu vực này vẫn được coi là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, trong báo cáo này, các chuyên gia IMF liệt kê một số rủi ro đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu. Thứ nhất, đó là chiến tranh và xung đột, cụ thể là cuộc chiến ở Ukraine và xung đột ở Gaza cùng nguy cơ leo thang căng thẳng tại Trung Đông, có thể gây ra hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế toàn cầu. Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, IMF lo ngại lạm phát có thể tăng trở lại.
Rủi ro thứ hai là triển vọng lạm phát chưa rõ ràng. Thoạt nhìn, diễn biến giá dường như không còn là rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu. Người đứng đầu IMF cho biết: “Lạm phát đang giảm nhanh hơn chút ít so với dự báo trước đây”. Trong khi tỷ lệ lạm phát toàn cầu năm 2022 là 9,4%, theo dự báo mới của IMF, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 2,8% vào cuối năm nay và xuống còn 2,4% trong năm tới. Tuy nhiên, các nhà kinh tế của IMF đang lo lắng về những số liệu mới nhất từ Mỹ, nơi có giá tiêu dùng tăng cao hơn dự kiến. Lạm phát giảm là do giá năng lượng giảm và hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, trong khi lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ vẫn ở mức cao. Vì vậy, ưu tiên của các ngân hàng trung ương vẫn phải là giảm lạm phát xuống mức mục tiêu. Nếu lãi suất cơ bản không giảm như kỳ vọng trong vài tháng tới thì có thể gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế.
Rủi ro thứ ba mà các chuyên gia IMF lo ngại chính là nền kinh tế đầu tàu thế giới có nguy cơ tăng trưởng quá nóng. Trong năm nay, IMF kỳ vọng Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,7% - cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi mùa thu. Và năm tới, mức tăng trưởng có thể là 1,9%. Các chuyên gia đánh giá “thành tích phi thường của Mỹ” là “động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu”, nhưng Mỹ cũng là “nền kinh tế có nguy cơ tăng trưởng quá nóng và trên hết là lạm phát gia tăng trở lại”. Sự gia tăng này là do biện pháp kích thích của chính phủ như Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó ưu tiên thúc đẩy đầu tư vào công nghệ thân thiện với khí hậu thông qua giảm thuế. Việc các bang vay tiền để triển khai nhiều chương trình khiến nợ công của Mỹ tiếp tục tăng và IMF đánh giá chính sách nợ này là “không bền vững”. Điều này cũng tiềm ẩn rủi ro đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu. Đặc biệt Mỹ không phải là cá biệt khi nợ của nhiều nước khác cũng tăng đáng kể trong đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng. IMF đang cảnh báo các nước rằng hiện là thời điểm thích hợp để giảm thâm hụt và tăng cường nguồn đệm tài chính của chính phủ.
Với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc, báo cáo của IMF kỳ vọng nước này sẽ tăng trưởng 4,6% trong cả năm nay. Hiện cường quốc châu Á này vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản. Theo các chuyên gia, nhu cầu trong nước sẽ vẫn yếu trong một thời gian nếu chính phủ không hành động quyết liệt để giải quyết triệt để gốc rễ của vấn đề. Giới phân tích nhận định nếu nhu cầu trong nước vẫn ở mức thấp do khủng hoảng bất động sản, Bắc Kinh có thể cố gắng bù đắp bằng cách tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, IMF đánh giá chính sách này có nguy cơ làm gia tăng “căng thẳng thương mại trong môi trường địa chính trị vốn đã căng thẳng” và đây là rủi ro thứ tư mà tổ chức này tính đến. IMF lo ngại nguy cơ xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng gia tăng, trong khi Liên minh châu Âu đang cân nhắc việc đáp trả hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc và dựng lên các rào cản thuế nếu cần thiết.
Vấn đề quan ngại cuối cùng đối với nền kinh tế thế giới là tăng trưởng thấp của Đức. Theo dự báo của IMF, năm nay kinh tế Đức chỉ tăng trưởng 0,2%, thấp hơn tới 0,7 điểm phần trăm so với dự báo mùa thu năm ngoái và thấp nhất trong các nước công nghiệp lớn. Ông Alfred Kammer, Giám đốc khu vực châu Âu của IMF, nêu rõ môi trường kinh doanh và tiêu dùng suy giảm trong quý đầu tiên của năm cùng các vấn đề mang tính cơ cấu của Đức là nguyên nhân khiến các chuyên gia hạ mức dự báo. Tuy nhiên, IMF vẫn kỳ vọng mức tăng trưởng năm tới của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là 1,3%.
Nhiều chuyên gia IMF nhận định nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới “cú hạ cánh mềm” dù tăng trưởng và thương mại toàn cầu vẫn thấp. Mặc dù vậy, những rủi ro tiềm ẩn khiến các nhà phân tích cũng như giới hoạch định chính sách phải thận trọng./.
Theo Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin