Giải mã sự ‘xích lại gần nhau’ giữa Pháp và Armenia và phản ứng của Nga

07:35, 25/04/2024

Nga, một trong những cường quốc khu vực ở Nam Caucasus, đã phản ứng trước mối quan hệ Armenia - Pháp đang gia tăng.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong cuộc gặp tại Brussels, Bỉ ngày 14/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong cuộc gặp tại Brussels, Bỉ ngày 14/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định của Jason Wahlang thuộc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar (MP-IDSA), xung đột Nga - Ukraine và xung đột Armenia - Azerbaijan đã tác động đến khuôn khổ an ninh khu vực Á-Âu. Những xung đột này đã định hình và củng cố khuôn khổ của nhiều mối quan hệ khác nhau, bao gồm cả mối quan hệ Armenia - Pháp. Pháp là đối tác châu Âu quan trọng nhất của Armenia. Cách tiếp cận mới của Armenia, liên quan đến các sáng kiến ​​chính sách đối ngoại gần đây được áp dụng đối với Pháp, đã nâng cao hơn nữa mối quan hệ của họ.

Đối thoại ngoại giao cấp cao giữa Paris và Yerevan có nguồn gốc từ mối quan hệ kéo dài hàng thế kỷ dựa trên các giá trị chung và văn hóa. Hơn nữa, sau Nga, kể từ năm 2016, Pháp được xếp hạng là quốc gia có đầu tư lớn thứ hai vào Armenia, tổng cộng gần 300 triệu euro. Các khoản đầu tư của nước này chủ yếu vào nông nghiệp, thực phẩm, nước và ngân hàng. Đồng thời, với tư cách là thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ (Le Francophonie), Armenia góp phần thúc đẩy ngôn ngữ Pháp và hợp tác chính trị, kinh tế, giáo dục và văn hóa với đối tác châu Âu này. Quan trọng hơn, trong khi là quốc gia châu Âu đầu tiên công nhận nạn diệt chủng người Armenia, vào tháng 10/2016, Pháp đã thực hiện thêm bước hình sự hóa việc phủ nhận tội diệt chủng người Armenia.

Với tình hình địa chính trị đang phát triển ở Nam Caucasus, Armenia có thể hướng tới Pháp như một phần trong nỗ lực liên tục nhằm đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và giảm bớt ảnh hưởng của Nga. Mặt khác, Pháp coi Armenia như một đối tác quan trọng với mối quan hệ truyền thống có thể giúp tăng cường hơn nữa ảnh hưởng của Paris trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, hai bên đang ngày càng tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ, về ngoại giao, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal gần đây đã kêu gọi Azerbaijan rút quân khỏi các khu vực “bị chiếm đóng” ở Armenia, nhấn mạnh sự ủng hộ của Paris đối với Yerevan. Ngoài việc tích cực nỗ lực hỗ trợ Armenia trong cuộc xung đột với Azerbaijan, Pháp cũng tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ quốc phòng với Armenia.

Hợp tác quốc phòng (bao gồm cả việc bán vũ khí cho Armenia) từ lâu đã đóng vai trò là lĩnh vực chính giữa Yerevan và Paris. Chiến tranh Nagorny-Karabakh đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ của họ khi Pháp bắt đầu bán các hệ thống phòng không để tăng cường năng lực cho Armenia. Hai nước cũng đã ký một hợp đồng vào ngày 23/10 năm ngoái về 3 radar Ground Masters.

Cùng với đó, hai bên đã tổ chức những cuộc họp thường xuyên cấp Bộ trưởng Quốc phòng và một thỏa thuận triển khai cố vấn quân sự Pháp để huấn luyện binh sĩ Armenia đã được thực hiện. Sự hợp tác ngày càng tăng của Armenia với Pháp trong lĩnh vực này có thể được coi là một phần trong cam kết của Yerevan nhằm đa dạng hóa và tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng trên toàn cầu, chủ yếu là trong bối cảnh căng thẳng với Azerbaijan.

Thái độ của Nga đối với cuộc chiến tranh Nagorny-Karabakh lần thứ hai cũng đã gây ra sự thất vọng với Armenia. Kết quả là nước này ngày càng nhiệt tình xích lại gần các nước châu Âu như Pháp. Các sáng kiến ​​​​hòa bình của EU đã được Armenia đón nhận một cách tích cực.

Pháp cũng là nơi có cộng đồng người Armenia hải ngoại lớn nhất trong EU và lớn thứ ba trên toàn cầu, với khoảng 500.000 người. Do đó, các chính phủ ở Pháp thừa nhận tầm quan trọng của cộng đồng hải ngoại này trong bầu cử. Năm 2017, bốn người Armenia gốc Pháp - Daniele Cazarian, Nadia Essayan, Guillaume Kasbarian và Jacques Marilossian - đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào quốc hội Pháp, nêu bật tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của họ trên chính trường nước này.

Phản ứng của Nga và Azerbaijan

Nga, một trong những cường quốc khu vực ở Nam Caucasus, đã phản ứng trước mối quan hệ Armenia - Pháp đang gia tăng. Moskva tuyên bố rằng họ sẽ xem xét lại mối quan hệ của mình với Armenia nếu nước này tiếp tục nghiêng về phương Tây. Phản ứng của Nga đối với mối quan hệ của Armenia với Pháp hiện không quan trọng bằng việc họ vẫn tập trung vào sự can dự của Pháp vào Ukraine. Nhưng về lâu dài, có thể sẽ có phản ứng gay gắt hơn từ phía Nga.

Với Azerbaijan, nước này nhìn nhận mối quan hệ Pháp-Armenia đang mở rộng một cách tiêu cực, đồng thời chỉ trích những diễn biến gần đây trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Cáo buộc Pháp gây ra một cuộc chiến tranh mới trong khu vực bằng cách trang bị vũ khí cho Armenia, Chính phủ Azerbaijan đã cảnh báo trước rằng Pháp sẽ phải chịu trách nhiệm nếu một cuộc xung đột khác nổ ra. Baku cũng chỉ trích điều mà họ cho là sự thiếu sự tham gia đáng tin cậy của Pháp vào tiến trình hòa bình bất chấp vai trò là đồng chủ tịch của Nhóm Minsk.

Các quan chức Azerbaijan đã công khai bày tỏ những lời chỉ trích này bất chấp sự hợp tác kinh tế chặt chẽ của Azerbaijan với các nước châu Âu như Pháp và là thành viên của sáng kiến ​​Đối tác phương Đông của EU. Thái độ của Azerbaijan trên được nhìn nhận thông qua việc nước này luôn phản đối việc Pháp thiết lập sự hiện diện trong khu vực. Điều này chủ yếu là do những tuyên bố của Pháp ủng hộ lập trường của Armenia về cuộc xung đột Nagorny-Karabakh.

Như vậy, lập trường đối lập của Pháp và Nga về Ukraine, chủ yếu sau khi Tổng thống Emanuel Macron tuyên bố triển khai quân trên lãnh thổ Ukraine, đã làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nước. Vì vậy, sự can dự của Pháp vào Armenia sẽ càng bị nghi ngờ hơn. Armenia, giống như Ukraine, có thể trở thành “chiến trường mới” về lâu dài giữa hai cường quốc.

Do Nga đang bận tâm ở Ukraine, Azerbaijan đã giành được lợi thế và chiếm thế thượng phong trước Armenia trong cuộc xung đột ở Nagorny-Karabakh. Sự tham gia ngày càng tăng của Pháp vào khu vực có thể cản trở tiến trình đó, tạo ra thế cân bằng giữa hai quốc gia đối đầu.

Tuy nhiên, Nga vẫn coi Armenia là một đồng minh quan trọng trong không gian hậu Xô Viết và không muốn có bất kỳ sự can dự nào từ châu Âu, đặc biệt là Pháp. Do đó, bất kỳ nỗ lực nào hướng tới châu Âu hoặc phát triển hơn nữa bất kỳ mối quan hệ nào với phương Tây đều có thể gây thêm xích mích giữa hai quốc gia.

Về phần mình, mặc dù Armenia không có khả năng thoát hoàn toàn khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga, nhưng nước này sẽ tiếp tục đa dạng hóa các đối tác chiến lược và duy trì quyền tự chủ của mình giữa các cường quốc.

Theo baotintuc.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com