Tương lai của khí đốt Nga ở châu Âu

09:59, 20/03/2024

EU đã bước sang một giai đoạn mới trong quá trình giảm phụ thuộc khí đốt Nga, xoa dịu lo ngại về tình trạng thiếu nhiên liệu. 

Châu Âu đã giảm đáng kể nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Ảnh: TASS
Châu Âu đã giảm đáng kể nhập khẩu khí đốt từ Nga. Ảnh: TASS

Theo nhận định của chuyên gia năng lượng và khí hậu Ignacio Urbasos Arbeloa thuộc Viện Hoàng gia Elcano (Tây Ban Nha), đến nay EU đã giảm 80% lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng đường ống mà không cần phải từ bỏ hỗ trợ chính trị, kinh tế và quân sự cho Ukraine. Trong khi Nga chiếm 42% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của châu Âu vào năm 2021, tỷ lệ này đã giảm xuống 14% vào năm 2023 (5,3% với khí tự nhiên hóa lỏng LNG và 8,7% với khí đốt qua đường ống).

Nhờ phát triển năng lực mới để nhập khẩu LNG và xây dựng các kết nối, EU đã bước sang một giai đoạn mới trong quá trình giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, xoa dịu lo ngại về tình trạng thiếu nhiên liệu. EU cũng đề ra kế hoạch REPowerEU, xác định rằng đến năm 2027 sẽ ngừng mua khí đốt Nga.

Như vậy trước mắt, trong trường hợp nhập khẩu qua đường ống, có thể loại trừ khả năng hoạt động trở lại của “Dòng chảy phương Bắc”, trong khi vì lý do chính trị, việc nối lại dòng chảy qua Ba Lan (đường ống Yamal) dường như khó xảy ra. Hợp đồng quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31-12-2024 và Kiev đã tuyên bố ý định không đàm phán thỏa thuận gia hạn với tập đoàn Gazprom. 

Mặc dù những tháng gần đây, trong khuôn khổ các cuộc đối thoại với Hungary và Slovakia, Ukraine đã để ngỏ về việc tiếp tục trung chuyển khí đốt của Nga sau năm 2024, nhưng rõ ràng rằng lượng quá cảnh sẽ giảm so với hiện tại và sẽ chỉ mang tính chất tạm thời. Ông Arbeloa cho rằng, tình huống trên có nghĩa là chỉ hệ thống đường ống Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream) sẽ hoạt động để cung cấp khí đốt tự nhiên cho một số khách hàng còn lại của Gazprom ở EU. Nhưng TurkStream chỉ có thể đảm bảo một phần nhỏ khối lượng được chuyển từ Ukraine từ năm 2025 trở đi, chủ yếu để cung cấp cho Slovakia và Hungary, nên có nguy cơ dẫn đến việc đình chỉ các hợp đồng dài hạn còn lại của Gazprom ở châu Âu, chẳng hạn như các hợp đồng với Áo và Italy.  

Tuy nhiên, trong khi các nước châu Âu đang thực hiện kế hoạch đa dạng hóa và duy trì mục tiêu năm 2027, Hungary đã thể hiện ý định tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga bằng cách ký các hợp đồng dài hạn mới. Mặc dù quan điểm của Chính phủ Hungary đối với Nga vẫn là ngoại lệ ở EU, nhưng lại đặt ra một tiền lệ có thể làm suy yếu quyết tâm của các quốc gia thành viên để lựa chọn tiếp tục nhận khí đốt của Nga qua TurkStream.

Trong trường hợp LNG từ Yamal, các nước EU tiếp tục tuân thủ các hợp đồng dài hạn, trong khi các lệnh trừng phạt đang bóp nghẹt về mặt công nghệ các dự án mới của tập đoàn Novatek (đặc biệt ở Bắc Cực và Murmansk) và ngăn cản công ty này có được năng lực hậu cần và công nghệ. 

Nếu việc mua tàu phá băng và dịch vụ vận chuyển hàng hóa ở các cảng châu Âu bị hạn chế, phần lớn sản phẩm từ Yamal đến châu Á sẽ gặp khó khăn về hậu cần trong mùa đông, đồng thời việc hạn chế tiếp cận công nghệ phương Tây sẽ trì hoãn hoặc thậm chí làm tê liệt các dự án mới ở khu vực Bắc Cực. Do tính thanh khoản ngày càng tăng và tính linh hoạt của thị trường LNG toàn cầu, các nhà nhập khẩu khí đốt của EU sẽ không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp thay thế Nga và giờ đây sẽ có thể hưởng lợi từ cơ sở khí đốt chung mới để đàm phán mua bổ sung. Tuy nhiên, EU sẽ gặp khó khăn hơn trong việc dung hòa lợi ích thương mại liên quan đến các dự án của Novatek khi loại bỏ nhập khẩu khí đốt của Nga và thực hiện các lệnh trừng phạt LNG và chuỗi giá trị liên quan.

Bất kỳ quyết định áp dụng biện pháp trừng phạt nào cũng cần có sự nhất trí của các nước thành viên EU. Khả năng đạt được sự đồng thuận như vậy ở Brussels rõ ràng đã suy yếu trong những tháng gần đây, đặc biệt là do quyền phủ quyết của Hungary và cũng do xung đột ở Ukraine trì trệ. 

Tình huống bế tắc này đã tạo ra một giai đoạn mới trong chính sách năng lượng của EU đối với Nga, trong đó các quyết định ràng buộc sẽ phụ thuộc vào thiện chí của từng quốc gia thành viên. Trong kịch bản này, có khả năng Gazprom và Novatek sẽ tìm cách khai thác các đối tác tiềm năng ở châu Âu, đưa ra các điều kiện có lợi cho những khách hàng từ chối làm theo lời kêu gọi của Ủy ban châu Âu, trên thực tế sẽ hạn chế khả năng chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ khí đốt vào năm 2027 với Nga.

Chuyên gia Arbeloa kết luận, bất chấp tình trạng chia rẽ ở cấp độ chính sách của EU, dự báo khí đốt từ Nga sẽ đóng vai trò ngày càng nhỏ ở châu Âu, khi phải cạnh tranh với các nhà cung cấp khác (chủ yếu là LNG từ Mỹ và Qatar) trong bối cảnh khử cacbon và nhu cầu dự báo sẽ giảm./. 

Theo baotintuc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com