Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, một số thành viên của Đại sứ quán Đức tại Haiti đã được sơ tán đến Cộng hòa Dominica ngày 10/3, trong bối cảnh tình hình an ninh tại quốc gia Caribe này tiếp tục diễn biến xấu.
Người biểu tình phản đối Thủ tướng Haiti Ariel Henry gây bạo loạn tại Port-au-Prince, ngày 7/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hình ảnh từ truyền hình địa phương cho thấy một số người đang tiếp cận một chiếc trực thăng ở khu vực treo cờ Cộng hòa Dominica.
Trước đó, quan chức quân sự và dân sự cấp cao của Cộng hòa Dominica đã nhóm họp để điều phối kế hoạch sơ tán các thành viên đại sứ quán và lãnh sự quán của nước này ở Haiti, đồng thời giúp đỡ một số quốc gia khác sơ tán công dân.
Trong đêm 9/3 (giờ địa phương), Mỹ cũng đã tiến hành một chiến dịch không vận để đưa các nhân viên không thiết yếu tại Đại sứ quán Mỹ ở Port-au-Prince về nước và bổ sung lực lượng để tăng cường an ninh cho cơ quan này.
Mỹ tiến hành chiến dịch trên trong bối cảnh Haiti vẫn tiếp tục chìm trong bạo lực băng đảng vũ trang, đe dọa lật đổ chính phủ hiện nay và khiến hàng nghìn người phải đi sơ tán để tìm nơi trú ẩn an toàn. Hôm 3/3, Haiti đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do tình trạng bạo lực leo thang.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Tổng thống El Salvador Nayib Bukele đề xuất giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Haiti theo mô hình của quốc gia Trung Mỹ này, với điều kiện được sự chấp thuận của Liên hợp quốc.
Kể từ khi ban hành kế hoạch kiểm soát lãnh thổ và sắc lệnh về chế độ khẩn cấp ngày 27/3/2022, El Salvador đã bỏ tù hơn 77.000 thành viên của các băng nhóm tội phạm.
Theo baotintuc.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin