Châu Âu nỗ lực giải bài toán già hoá dân số và tỷ lệ sinh giảm

18:49, 18/02/2024

Tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm là một thách thức với sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia châu Âu, kéo theo nhiều hệ lụy như thiếu lao động, áp lực gia tăng với hệ thống chăm sóc sức khỏe... Các nước đang nỗ lực tìm biện pháp thích ứng nhằm tận dụng lợi ích mà già hóa dân số mang lại, đồng thời khuyến khích sinh đẻ. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, vào năm 2024, số người hơn 65 tuổi tại châu Âu sẽ nhiều hơn số người dưới 15 tuổi.

Theo kết quả điều tra dân số của Cơ quan Thống kê Quốc gia Italia (ISTAT), trung bình mỗi phụ nữ ở Italia chỉ sinh một con, trong khi phụ nữ chiếm khoảng 51,2% dân số. Năm 2022, quốc gia châu Âu này chỉ có hơn 399 nghìn ca sinh. Trong khi đó, Italia ngày càng có nhiều người già, cứ 100 người trẻ thì có 184 người già. Tại Pháp, tỷ lệ sinh trong năm 2023 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Cụ thể, khoảng 678 nghìn trẻ em được sinh ra trong năm 2023, giảm 6,6% so với năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ năm 1946. Tuổi thọ trung bình của người dân Pháp cũng tăng lên mức kỷ lục, hiện ở mức 85,7 tuổi đối với nữ và 80 tuổi đối với nam. Một quốc gia châu Âu khác là Thụy Sĩ cũng ghi nhận tỷ lệ sinh rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, với tỷ lệ 1,39 trẻ trên một phụ nữ.

Nhờ những tiến bộ về chăm sóc sức khỏe trên thế giới nói chung và châu Âu nói riêng, tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng tăng. Đây là thành tựu song cũng là thách thức với hệ thống y tế khu vực và toàn cầu. Dân số già sẽ cần nhiều nhu cầu về y tế, đòi hỏi phải tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng tình trạng già hóa dân số khiến nhiều nước đứng trước cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng, trong đó có nhân lực chăm sóc người cao tuổi. Ông Andrea Sironi, Chủ tịch Công ty bảo hiểm Generali cho rằng, nguồn nhân lực đang là vấn đề lớn đối với Italia. 

Nhằm khắc phục tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp, thời gian qua, các nước đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Cải thiện tỷ lệ sinh là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của giới chức Pháp trong năm 2024. Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, Pháp sẽ chỉ mạnh hơn nếu vực dậy được tỷ lệ sinh, đồng thời tuyên bố sẽ cải cách chế độ nghỉ phép của cha mẹ. Chính phủ Hungary cũng tích cực triển khai nhiều chương trình nhằm khuyến khích người dân kết hôn và sinh con như hỗ trợ mua nhà và các khoản vay lãi suất thấp cho các cặp đôi mới kết hôn. 

Để giải quyết bài toán thiếu lao động, tại Đức, bên cạnh việc mở rộng cánh cửa với lao động nhập cư, các doanh nghiệp hướng đến tăng cường đào tạo và bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ lao động, tạo thêm việc làm cho phụ nữ và người lớn tuổi, bố trí thời gian làm việc linh hoạt hơn để tăng năng suất lao động. 

Già hóa dân số cũng mang lại lợi ích khi các nước thúc đẩy sự đóng góp của người cao tuổi vào sự phát triển kinh tế - xã hội. WHO kêu gọi các nước tìm cách giúp người già duy trì, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, sự độc lập cũng như chất lượng cuộc sống. Trong số các khuyến nghị mà WHO đưa ra, có các chính sách tăng cường hoạt động thể thao và văn hóa cho người lớn tuổi.

Có nhiều yếu tố dẫn đến những thay đổi về nhân khẩu học như vấn đề chi phí sinh hoạt, quan điểm của giới trẻ đối với hôn nhân, áp lực công việc... Trước tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm, các nước châu Âu đã và đang nỗ lực tìm cách thích ứng, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.

Theo Nhân Dân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com