Châu Âu đang tìm kiếm giải pháp để lấy lại sức mạnh kinh tế đã rơi vào tay Mỹ trong 20 năm qua, ngay cả khi muốn bảo vệ môi trường và tự lực hơn.
Công nhân làm việc tại nhà máy ở Herten, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Kinh tế Mỹ tăng trưởng hơn 2% mỗi năm, trong khi kinh tế châu Âu đang đình trệ. Năng suất lao động tại đây cũng tăng chậm hơn Mỹ trong 30 năm qua.
Theo CNN, ông Innes McFee, nhà kinh tế trưởng của Oxford Economics, hồi tháng 12-2023, cho rằng tốc độ tăng trưởng của Mỹ một năm qua thực sự vượt trội so với các nước giàu khác. So với Mỹ, châu Âu là khối kinh tế không đồng đều, với đầu tư thấp, dân số già hóa nhanh hơn, dòng chảy lao động, vốn và hàng hóa cũng không thực sự tự do, dù có thị trường chung 31 năm qua.
Người hiện chịu trách nhiệm lên kế hoạch giúp châu Âu vượt qua các rào cản này là ông Mario Draghi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Ông nổi tiếng vì đã chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ năm 2012 tại đây, khi tuyên bố ECB sẽ làm “bất kỳ điều gì có thể” để bảo vệ đồng euro. Cuối tuần trước, ông Draghi đã gặp các bộ trưởng tài chính châu Âu ở thành phố Ghent (Bỉ) và bàn giải pháp liên quan đến việc vốn đầu tư trong Liên minh châu Âu (EU) thấp, soạn lại luật để khuyến khích sáng tạo và tìm xem lĩnh vực nào cần sự hỗ trợ của chính quyền. Trong phát biểu của mình, ông Draghi nói châu Âu cần đầu tư một khoản khổng lồ trong thời gian ngắn để tái cấu trúc chuỗi cung ứng và giảm khí thải của các nước.
Giới chức châu Âu ước tính khu vực này cần 650 tỷ euro (khoảng 704 tỷ USD) đổ vào lĩnh vực tư nhân mỗi năm cho đến năm 2030 và 800 tỷ euro mỗi năm trong 10 năm sau đó. Mục tiêu là thu hẹp khoảng cách về công nghệ với Mỹ, quê hương của các đại gia công nghệ, đồng thời giúp châu Âu tự chủ hơn trong các lĩnh vực như năng lượng hay chip. Tuy nhiên, ngoài việc tăng đầu tư, châu Âu cũng đang hứng chịu tình trạng thoái vốn.
Năm ngoái, khoảng 330 tỷ euro đã chảy ra nước ngoài. Người châu Âu tìm đến các kênh đầu tư khác, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ có quy mô lớn hơn. Đầu tư công tại châu Âu hiện cũng thấp hơn nhiều so với Mỹ. Việc Mỹ tích cực đầu tư công đã đem đến nhiều phát minh như internet. Các lãnh đạo tài chính EU tại Ghent đã đưa ra giải pháp tương tự cho vấn đề này. Đó là phá vỡ rào cản còn lại giữa các nước thành viên, để biến họ thành một thị trường chung thực sự.
Theo chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh mới nhất của Ngân hàng Thế giới, Đan Mạch là quốc gia châu Âu duy nhất xếp trên Mỹ. Italy thậm chí xếp dưới Maroc, Kenya và Kosovo. Một vấn đề khác là giá điện tại châu Âu hiện gấp 3 lần Mỹ và sẽ vẫn ở mức cao cho đến khi EU phần nào tự chủ năng lượng trong thập kỷ tới. Doanh nghiệp ở đây đang vận động hành lang để được trợ giá năng lượng và nới lỏng các quy định về môi trường. CEO hãng thép Salzgitter Gunnar Groebler nhận định trong giai đoạn chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp phải chịu mức giá điện khiến sản phẩm không thể cạnh tranh toàn cầu.
Tập đoàn dầu mỏ ExxonMobil thậm chí đưa ra viễn cảnh “phi công nghiệp hóa” nếu EU không thay đổi. Hiện tại, rất ít công ty lớn rời EU, nhưng một số doanh nghiệp, như công ty cung cấp linh kiện tự động hóa Forvia đang cắt giảm việc làm trong khu vực. Số khác như hãng khí đốt công nghiệp Air Liquide, đang tăng hiện diện tại Mỹ.
Một nhóm công ty công nghiệp tuần trước đã đề xuất EU trợ cấp, không chỉ về đầu tư mà còn về chi phí hoạt động, như Mỹ đang làm. Tuy nhiên, giới chức đã khẳng định số tiền rót vào EU cần đến từ lĩnh vực tư nhân./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin