Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027

08:04, 01/02/2024

Trong một báo cáo công bố hôm 29-1, Bộ Tài chính Ấn Độ nêu rõ nền kinh tế nước này đã sẵn sàng tăng trưởng ở mức bằng hoặc trên 7% trong tài khóa 2024. Tài khóa của Ấn Độ thường bắt đầu vào ngày 1-4 và kết thúc vào ngày 31-3. Nếu đạt mục tiêu năm nay, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp Ấn Độ đạt mức tăng trưởng GDP 7%. GDP của quốc gia đông dân nhất thế giới hiện ở mức 3,7 nghìn tỷ USD.

Bộ Tài chính Ấn Độ dự đoán nước này có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027 với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 5.000 tỷ USD.

Cố vấn kinh tế trưởng của Ấn Độ - ông V Anantha Nageswaran - cho biết mục tiêu của chính phủ là trở thành nước phát triển vào năm 2047. Ấn Độ có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2075, vượt qua không chỉ Nhật Bản và Đức mà cả Mỹ. Hiện nay, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Quốc vương thứ 17 của Malaysia đăng quang

Quốc vương thứ 17 của Malaysia Sultan Ibrahim đã chính thức đăng quang vào ngày 31-1, đánh dấu một thời khắc quan trọng trong lịch sử chế độ quân chủ lập hiến ở quốc gia Đông Nam Á. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm tại Cung điện Hoàng gia và được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc. Sau màn chào mừng mang đậm truyền thống quân sự, Quốc vương Sultan Ibrahim tiến hành duyệt đội danh dự tại Quảng trường Cung điện Hoàng gia và tiến vào Hoàng cung tham dự cuộc họp đặc biệt lần thứ 264 của Hội nghị các nhà cai trị Mã Lai kết hợp với Lễ tuyên thệ của Quốc vương thứ 17. Trong khuôn khổ buổi lễ, Tiểu vương bang Perak, Sultan Nazrin Shah, cũng tuyên thệ nhậm chức Phó Vương với nhiệm kỳ 5 năm.

Theo hệ thống độc đáo ở Malaysia, các tiểu vương của 9 bang Hồi giáo được bầu chọn luân phiên đảm nhận vị trí Quốc vương nhiệm kỳ 5 năm. Hệ thống này được duy trì từ khi Malaysia giành độc lập năm 1957.

Phát hiện virus H5N1 trên xác chim cánh cụt ở Nam Cực

Theo Ủy ban Khoa học về Nghiên cứu Nam Cực (SCAR), chủng virus cúm gia cầm H5N1 đã được tìm thấy ở chim cánh cụt Gentoo lần đầu tiên, đặt ra mối lo ngại virus này có thể lây lan trong đàn chim cánh cụt ở Nam Cực. Bác sĩ thú y Ralph Vanstreels tại SCAR cho biết các nhà nghiên cứu đã phát hiện xác 35 con chim cánh cụt tại Quần đảo Falkland ở phía Nam Đại Tây Dương vào ngày 19-1 vừa qua. Các mẫu bệnh phẩm thu thập từ 2 xác chim cánh cụt trong số này có kết quả dương tính với virus H5N1. 

Người phát ngôn chính quyền Quần đảo Falkland Sally Heathman xác nhận tính đến ngày 30-1, hơn 200 con chim cánh cụt Gentoo non cùng một số con trưởng thành chết trong tình trạng tương tự. Con số đó cho thấy chim cánh cụt Gentoo dễ nhiễm căn bệnh chết người này và virus H5N1 đang hủy hoại quần thể chim trên toàn thế giới trong những tháng gần đây. Hiện chính quyền quần đảo cũng đang chờ kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của chim cánh cụt Rockhopper và đang lên phương án ứng phó với đợt bùng phát dịch trên quy mô lớn do hàng trăm nghìn con chim cánh cụt tập trung dày đặc ở Nam Cực và các đảo lân cận là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan virus H5N1./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com