Ukraine có nguy cơ đóng cửa nhiều trường đại học do thiếu sinh viên

07:58, 17/01/2024

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Mikhail Vinnitsky ngày 15-1 thừa nhận với truyền thông rằng Chính phủ cần phải đóng cửa một số cơ sở giáo dục đại học bởi xu hướng nhân khẩu học tiêu cực.

Ông Vinnitsky nói Ukraine có 640 nghìn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2008, nhưng chỉ còn 360 nghìn học sinh tốt nghiệp vào năm 2023. Theo Thứ trưởng Vinnitsky, một dự luật đã được phát triển dựa trên các điều kiện tiên quyết để hiện đại hóa mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Ông mô tả đây là “dự luật nhằm giảm số lượng trường đại học”.

Ukraine hiện có 170 trường đại học công lập cấp quốc gia và 40 trường cấp thành phố cũng như khoảng 100 trường đại học tư nhân, chưa kể chi nhánh của các trường này. Sau cải cách, dự kiến chỉ còn khoảng 100 trường tiếp tục hoạt động. Vào năm 2008, Ukraine có khoảng 350 cơ sở giáo dục đại học, với số lượng sinh viên trung bình là 6.700 người/cơ sở. Tuy chưa có số liệu của năm 2023 nhưng dự kiến con số này sẽ thấp hơn nhiều. Ông Vinnitsky tiết lộ, Bộ Giáo dục dự đoán số lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ giảm xuống còn 300 nghìn em vào năm 2033, dựa trên nhân khẩu học của Ukraine và không tính đến các chỉ số di cư.

WHO kêu gọi thế giới tài trợ 1,5 tỷ USD để đối phó với khủng hoảng nhân đạo

Ngày 15-1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ 1,5 tỷ USD để đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của hàng triệu người đang là nạn nhân của các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên khắp thế giới.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan y tế toàn cầu này đặt mục tiêu hỗ trợ nhân đạo cho khoảng 87 triệu người trong năm 2024. Để đạt mục tiêu này, WHO cần khoản tài trợ tổng cộng 1,5 tỷ USD trong thời gian sớm nhất có thể. Ông Tedros ước tính trong năm nay, 166 triệu người sẽ cần hỗ trợ y tế trên thế giới, trong đó có các nước Ukraine, Haiti, Sudan và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine. 

Đáng chú ý, tình trạng y tế khẩn cấp đòi hỏi nguồn tài trợ nhiều nhất xảy ra tại các vùng lãnh thổ của Palestine, đặc biệt tại Gaza - nơi xung đột giữa Hamas và Israel bùng phát từ tháng 10-2023. WHO nhấn mạnh cần 219 triệu USD để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu tại Gaza trong thời gian từ 3-6 tháng, tùy vào diễn biến xung đột. Bên cạnh đó, 2 trường hợp khẩn cấp về y tế toàn cầu khác đòi hỏi khoản tài trợ lớn là dịch COVID-19 và Afghanistan. Quốc gia Nam Á này có 23,7 triệu người cần tiếp cận khẩn cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.

Ông Tedros cũng đặc biệt lo ngại về sự bùng phát trở lại của bệnh tả trên khắp thế giới, đòi hỏi khoản tài trợ gần 50 triệu USD để đối phó. Trong khi đó, WHO cần 77 triệu USD để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Ukraine. Tổng Giám đốc WHO cảnh báo nếu không hành động, thế giới có nguy cơ hứng chịu hậu quả khôn lường./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com