NATO thông báo bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh, với 90 nghìn lính tham gia.
“Liên minh sẽ chứng minh khả năng gia tăng sức mạnh cho khu vực châu Âu - Đại Tây Dương bằng cách điều lực lượng từ Bắc Mỹ xuyên Đại Tây Dương”, tướng Christopher Cavoli, chỉ huy Bộ Tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Âu (EUCOM), phát biểu khi khai mạc cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 hôm 24-1.
Sự kiện kéo dài tới cuối tháng 5, mô phỏng phản ứng của liên minh trước khả năng bị một đối thủ tấn công. Trong quá trình tập trận, quân đội Mỹ sẽ diễn tập khả năng chi viện cho các đồng minh châu Âu ở giáp biên giới Nga và sườn phía đông NATO nếu nổ ra xung đột. Hoạt động được tổ chức sau khi NATO cải tổ hệ thống phòng thủ kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine hồi tháng 2-2022.
Nga muốn phát triển tuyến vận tải biển phía Bắc để cạnh tranh với kênh đào Suez
NSR là tuyến đường hàng hải ngắn nhất nối châu Âu và châu Á. Thí dụ, chặng đường biển từ Murmansk tới Nhật Bản qua NSR là 9.280km, còn qua kênh đào Suez là 20.660km.
Trên kênh truyền hình Rossya 24 ngày 23-1, Đại diện toàn quyền Tổng thống Nga tại Viễn Đông Yuri Trutnev cho biết Nga đang thảo luận với Trung Quốc để kêu gọi nước này tham gia bảo hiểm hàng hóa cho tuyến đường biển phía Bắc (NSR) của Nga.
Theo thống kê của Cục quản lý tuyến đường biển phía Bắc (Glavsevmorput), từ tháng 1 đến tháng 11-2023, 32 triệu tấn hàng đã đi qua NSR, chủ yếu là LNG, khí ngưng tụ, quặng sắt, dầu mỏ, hàng đông lạnh, than... Sang năm 2024, Nga dự báo lượng hàng hóa vận tải qua NSR sẽ ở mức 72 triệu tấn, năm 2030 là gần 200 triệu tấn.
Trong năm 2024, Nga cũng sẽ triển khai dịch vụ dẫn đường hàng hải quanh năm thay vì chỉ mùa hè như hiện nay, nhờ đó hoạt động vận tải hàng hóa sẽ được duy trì cả vào mùa lạnh vốn không phải là mùa vận tải biển truyền thống.
Giáo hoàng Francis cảnh báo những nguy hiểm của AI
Phóng viên TTXVN tại Italy đưa tin, ngày 24-1, Giáo hoàng Francis cảnh báo những nguy hiểm “nghịch lý” của trí tuệ nhân tạo (AI) và nhắc lại lời kêu gọi thế giới ban hành quy định để khai thác AI vì lợi ích chung.
Trong thông điệp dành cho Ngày truyền thông xã hội thế giới của Giáo hội Công giáo, dự kiến vào ngày 12-5, Giáo hoàng Francis cảnh báo về sự “ô nhiễm liên quan đến nhận thức” có thể bóp méo sự thật, thúc đẩy những nội dung sai sự thật.
Theo Giáo hoàng, “bệnh lý” của AI bao gồm sự suy giảm tính đa nguyên và sự phát triển của “tư duy tập thể”, nơi các quan điểm đồng thuận được đưa ra mà không xem xét những lời chỉ trích hoặc lựa chọn thay thế từ bên ngoài. Giáo hoàng cũng nói về sự nguy hiểm của AI trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trong việc đưa tin về chiến tranh. Theo ông, AI phải hỗ trợ và không loại bỏ vai trò của báo chí trên thực địa./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin