Bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin

07:48, 12/12/2023

Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) vừa công bố kế hoạch đầu tư lên tới 1 tỷ USD để sản xuất vắc-xin cho châu Phi. Đây là một bước tiến tích cực trong nỗ lực chung toàn cầu nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng dịch vụ y tế cho các nước nghèo, tránh lặp lại những sai lầm về chia rẽ, bất bình đẳng y tế từ đại dịch COVID-19. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD, kế hoạch “Tăng tốc sản xuất vắc-xin  cho châu Phi” của GAVI hướng tới mục tiêu giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn vắc-xin, vốn gây khó khăn cho châu lục này trong suốt thời gian đại dịch COVID-19hoành hành. 

Nguồn tài trợ cho chương trình nêu trên đến từ số tiền còn lại trong sáng kiến COVAX, cơ chế cung cấp vắc-xin  cho các nước nghèo được thiết lập trong thời gian bùng nổ dịch COVID-19. Kế hoạch được ban lãnh đạo GAVI phê duyệt sau khi tham vấn Liên minh châu Phi (AU), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cùng các đối tác khác. 

Bảo đảm tiếp cận công bằng vắc-xin  nói riêng và các dịch vụ y tế thiết yếu nói chung từng là bài toán hóc búa trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 “phủ bóng đen” lên đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Việc thiếu khả năng tiếp cận vắc-xin, thuốc men, thiết bị bảo vệ cá nhân, bộ dụng cụ chẩn đoán, máy thở trong đại dịch đã phản ánh rõ sự bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe, nhất là ở các nước thu nhập thấp và trung bình. 

Bên cạnh vấn đề nguồn cung vắc-xin thiếu, tình trạng mạng lưới y tế lạc hậu, yếu kém; hệ thống giao thông xuống cấp; đội ngũ nhân viên y tế thiếu hụt trầm trọng, chưa được đào tạo bài bản... cũng là những nguyên nhân khiến châu lục này từng “chậm chân” trong cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu. 

Đáng nói là, sau gần bốn năm toàn thế giới căng sức chống dịch, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra nhưng tình trạng bất bình đẳng vẫn hiện hữu. Còn ít nhất 4,5 tỷ người không được cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế thiết yếu; hơn 1,3 tỷ người đang sống trong cảnh nghèo khổ và cố gắng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Đây là thực tế đáng báo động trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, kéo theo hàng loạt dịch bệnh bùng phát. 

Dịch tả đang làm chao đảo các nước châu Phi như Mozambique, Zimbabwe, Somalia... Tháng 5-2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo thế giới sẽ thiếu vắc-xin phòng bệnh tả vào năm 2025 và 1 tỷ người ở 43 quốc gia có thể bị nhiễm căn bệnh này. Đối với dịch sốt rét, WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và GAVI đang phối hợp mở rộng quy mô chương trình tiêm phòng sốt rét tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao nhất ở châu Phi. Theo kế hoạch, 1,7 triệu liều vắc-xin phòng sốt rét sẽ được chuyển đến Burkina Faso, Liberia, Niger và Sierra Leone trong vài tuần tới.

Thiếu nguồn tài chính là rào cản đối với nỗ lực thúc đẩy tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế. UNICEF mới đây cho biết, việc thiếu kinh phí đang cản trở nỗ lực triển khai các chương trình hỗ trợ tại Sudan, trong đó có hỗ trợ về y tế. Cụ thể, cơ quan này chỉ nhận được 25% trong số 838 triệu USD mà họ cần để giúp đỡ khoảng 10 triệu trẻ em ở Sudan. 

Cùng với đó, để bảo đảm tiếp cận công bằng về vắc-xin, ngoài việc các nước giàu chia sẻ vắc-xin hay các hãng dược thực hiện đầy đủ cam kết phân phối, thì việc mở rộng sản xuất là yếu tố quan trọng. Hồi tháng 11 vừa qua, WHO đã tổ chức Diễn đàn sản xuất địa phương thế giới (WLPF), bàn về việc thúc đẩy sản xuất nội địa và chuyển giao công nghệ giữa các nước để tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm và công nghệ y tế chất lượng cho người dân. WHO cũng khởi xướng một chương trình giáo dục toàn cầu về sơ cứu đối với 25% số y tá và nữ hộ sinh ở 25 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cho đến cuối năm 2025. 

Sau quãng thời gian vất vả đối phó đại dịch COVID-19, thế giới đã nhận thức rõ tầm quan trọng của sự đoàn kết, sẻ chia và hợp tác. Thúc đẩy tiếp cận công bằng dịch vụ y tế vẫn là nhiệm vụ quan trọng, để toàn thế giới ứng phó hiệu quả hơn những mối đe dọa về sức khỏe khác trong tương lai./.

Theo Nhân Dân


Từ khóa:

Bình đẳng

tiếp cận vắc-xin


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com