Hơn 50% số bệnh viện tại Dải Gaza dừng hoạt động

08:01, 14/11/2023

Tính đến ngày 12-11, hai bệnh viện lớn nhất và nhì tại Dải Gaza là Al Shifa và Al-Quds đã tê liệt hoàn toàn vì cạn kiệt nhiên liệu, trong khi hơn một nửa số bệnh viện tại dải đất này buộc phải dừng hoạt động kể từ khi xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát đầu tháng 10.

Theo các nhân viên y tế tại Dải Gaza, các bệnh viện ở miền Bắc vùng lãnh thổ này đã bị các lực lượng Israel phong tỏa, chỉ có thể chăm sóc các bệnh nhân đang ở viện mà không thể tiếp nhận thêm dù số người thiệt mạng và bị thương cần điều trị ngày một tăng khi giao tranh ngày càng ác liệt.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã tìm cách nối lại liên lạc với các chuyên gia y tế ở bệnh viện Al-Shifa, lớn nhất tại Dải Gaza. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo tình hình tại thực địa ngày càng nghiêm trọng với các đợt ném bom và đấu súng không ngừng nghỉ, số bệnh nhân thiệt mạng ngày càng tăng trong khi bệnh viện lớn nhất khu vực không thể duy trì chức năng của một cơ sở chăm sóc y tế.

EU nỗ lực cải cách quy định chi tiêu

Phát biểu sau cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU), diễn ra tại Brussels (Bỉ), giới chức Tây Ban Nha, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU cho biết, các nước thành viên EU đang nỗ lực đạt thỏa thuận về cải cách quy định chi tiêu của khối vào tháng 12 tới.

Các quy định về chi tiêu của EU, được biết đến với tên gọi Hiệp ước ổn định và tăng trưởng, ra đời năm 1997, đặt ra giới hạn đối với việc vay nợ của chính phủ các nước thành viên, nhằm bảo đảm các nước tuân thủ kỷ luật ngân sách. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tháng 3-2022, EU đã tạm đình chỉ quy định về giới hạn thâm hụt ngân sách trong hiệp ước để tạo điều kiện cho chính phủ các nước chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Theo kế hoạch, các quy định liên quan ngân sách trong hiệp ước sẽ có hiệu lực trở lại vào năm 2024.

Hiệp ước ổn định và tăng trưởng quy định các nước thành viên EU phải giữ thâm hụt ngân sách hàng năm ở mức dưới 3% GDP và nợ công dưới 60% GDP. Những nước vi phạm sẽ đối mặt hình phạt. Quy định này cho phép EU giám sát chi tiêu của các nước thành viên, nhằm tránh nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, nhiều nước cho rằng, quy định nêu trên cần được thay đổi, nhằm tạo điều kiện cho các nước cấp vốn cho các dự án đầu tư./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com