Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) mới đây kêu gọi khu vực tư nhân tham gia công cuộc chống biến đổi khí hậu với quy mô lớn hơn. Để lấp đầy “khoảng trống tài chính khí hậu”, rất cần sự đồng hành, góp sức của khu vực tư nhân, nhất là khi nguồn tài chính công đang giảm sút.
Trong cuộc thảo luận gần đây của khoảng 70 Bộ trưởng cùng nhiều đại biểu các nước, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải cách các thể chế tài chính quốc tế, xây dựng thị trường carbon và khuyến khích đầu tư tư nhân để có thể đạt được những giải pháp về hỗ trợ tài chính trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Ông Sultan Al Jaber khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân ở mức độ chưa từng có trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Chủ tịch COP28 khẳng định công cuộc này cần tinh thần đổi mới, những cam kết và tham vọng của giới doanh nghiệp.
Giống như nhiên liệu cần thiết để vận hành một cỗ máy, tài chính là vấn đề then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển, gồm cả mục tiêu khí hậu. Yếu tố tài chính luôn được quan tâm trong các cuộc đàm phán khí hậu ở tầm khu vực và toàn cầu, bởi việc tăng tốc hành động vì khí hậu chỉ có thể đạt được khi các nước có đủ nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề tài chính lại là “điểm nghẽn” lâu nay trong chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), các khoản tài chính dành cho hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển giảm sút trong năm 2021.
Cụ thể, UNEP nhận thấy nguồn tài trợ dành cho các nước đang phát triển trong năm 2021 giảm 15% so với mức năm 2020, còn khoảng 21 tỷ USD. Đáng nói cũng trong năm 2021, các nước giàu cam kết tại COP26 ở Glasgow (Anh) rằng đến năm 2025 sẽ tăng mức tài chính thường niên dành cho việc thích ứng biến đổi khí hậu lên gấp đôi mức năm 2019.
UNEP cho biết, khoản tài chính thường niên mà các nước đang phát triển cần để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu trong thập niên này gia tăng. Những cơn bão, lũ lụt, thời tiết khắc nghiệt... trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, cho thấy tác động gia tăng của biến đổi khí hậu, kéo theo chi phí ứng phó cũng cao hơn.
UNEP nhận định, kể cả khi các chính phủ thực hiện đúng cam kết tăng gấp đôi nguồn tài chính khí hậu vào năm 2025, thì khoảng cách giữa khoản tiền sẵn có và cần có vẫn rất lớn, nguồn tài chính bổ sung cần thiết cũng cao, trong đó có các khoản huy động từ khu vực tư nhân.
Mới đây, Báo cáo về ổn định tài chính toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dẫn số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, đến năm 2030, những nền kinh tế đang phát triển cần khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm để đạt được mục tiêu khí hậu.
IMF cho rằng lĩnh vực tư nhân sẽ phải là nguồn cung cấp khoảng 80% mức đầu tư nêu trên, và cũng khẳng định cần có sự kết hợp chính sách trong nhiều lĩnh vực để tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, mở đường cho khu vực tư nhân đóng góp tài chính khí hậu.
Trước đó, hồi tháng 7-2023, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố danh sách gồm 15 giám đốc điều hành các công ty quản lý tài sản và tài chính trong nhóm công tác có tên là “Đầu tư tư nhân”. Mục đích của nhóm này là tìm kiếm, huy động thêm các nguồn vốn từ lĩnh vực tư nhân cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tăng đầu tư cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, các nỗ lực khuyến khích giới doanh nghiệp tham gia đầu tư thích ứng biến đổi khí hậu chưa thật sự hiệu quả.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là Hội nghị COP28 sẽ diễn ra ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), song vẫn còn ngổn ngang nhiều vấn đề khí hậu chưa tìm được hướng giải quyết.
Dù việc chia sẻ tài chính ngày càng trở nên khó khăn với mọi chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế bấp bênh do xung đột, dịch bệnh, nhưng đây vẫn là trách nhiệm không thể thoái thác khi Trái đất cận kề bờ vực thảm họa khí hậu./.
Theo Nhân Dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin