Ngày 11-10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRI) lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Thủ đô Bắc Kinh từ ngày 17 đến 18-10.
Bà Hoa Xuân Oánh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 có chủ đề “Chung tay xây dựng “Vành đai và Con đường” với chất lượng cao, thúc đẩy phát triển và thịnh vượng chung”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 là hoạt động quan trọng để kỷ niệm 10 năm ra đời sáng kiến “Vành đai và Con đường”, cũng là diễn đàn quan trọng để các bên cùng bàn bạc về việc thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến với chất lượng cao. Đã có đại diện của hơn 130 quốc gia, hơn 30 tổ chức quốc tế xác nhận tham dự Diễn đàn.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, kể từ khi sáng kiến “Vành đai và Con đường” ra đời đến nay, Trung Quốc đã đạt được các thỏa thuận hợp tác với hơn 150 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế; góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác đi vào chiều sâu, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước tham gia sáng kiến vượt 240 tỷ USD.
WFP đặt mục tiêu hỗ trợ lương thực cho 800 nghìn người Palestine
Chương trình Lương thực thế giới (WEF) ngày 10-10 cho biết đang đặt mục tiêu hỗ trợ thêm 600 nghìn người ở Gaza và Bờ Tây tiếp sau xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas.
Theo hãng tin AFP, nữ phát ngôn viên cơ quan Liên hợp quốc có trụ sở tại Rome (Italy) này cho biết WEF hiện hỗ trợ khoảng 200 nghìn người tại các vùng lãnh thổ Palestine, nhưng đã phát động chiến dịch khẩn cấp để hỗ trợ lương thực thiết yếu nhằm giúp đỡ cho khoảng 800 nghìn người, sau khi xung đột nổ ra. Tuy nhiên, nữ phát ngôn viên này không cho biết cụ thể sẽ có bao nhiêu người ở Gaza được hỗ trợ. Gaza hiện đã bị quân đội Israel phong tỏa sau cuộc tấn công của Hamas hôm 7-10.
Bên cạnh đó, WEF đang kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp 17,3 triệu USD trong 4 tuần tới để giải quyết “tình hình nghiêm trọng” tại các vùng lãnh thổ của Palestine. WEF cũng nhắc lại lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mở một hành lang nhân đạo để cung cấp viện trợ cho Gaza.
IMF điều chỉnh dự báo kinh tế thế giới
Ngày 10-10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới, theo đó giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3% năm 2023, nhưng hạ dự báo năm 2024 xuống 2,9%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7. IMF cũng nâng dự báo về tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới.
Trong báo cáo công bố tại Hội nghị thường niên cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra tại Marrakesh (Maroc), IMF đánh giá kinh tế toàn cầu đã cho thấy “sức bền đáng kể” khi vừa tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19, vừa khắc phục các ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Dù vậy, tăng trưởng kinh tế vẫn chậm và không đồng đều, có sự chênh lệch rõ rệt trên toàn cầu.
IMF dự báo lạm phát năm 2023 giảm từ mức 8,7% của năm 2022, nhưng vẫn ở mức khá cao là 6,9%, tăng nhẹ so với mức dự báo hồi tháng 7. Lạm phát năm 2024 được dự báo là 5,8%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó.
Theo IMF, lạm phát cao có thể buộc các ngân hàng Trung ương phải duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Điều này có thể gây tác động liên hoàn tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin