Theo Reuters, ngày 17-10, Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher đã lên tiếng phản đối chính sách phân biệt đối xử chống lại năng lượng hạt nhân. Phát biểu trước thềm một cuộc họp nhằm tìm kiếm thỏa thuận về cải cách thị trường điện Liên minh châu Âu (EU), bà Pannier-Runacher nhấn mạnh: “Việc phân biệt đối xử chống lại hạt nhân là đi ngược lại lợi ích của người châu Âu”. Bà Pannier-Runacher cũng khẳng định, năng lượng hạt nhân có thể cải thiện tình hình an ninh năng lượng tại khu vực. Sau khi đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng vào năm 2022 do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, EU đã đưa ra đề xuất cải cách thị trường điện với mục tiêu bình ổn hơn nữa giá điện trong dài hạn, đồng thời chuyển đổi hệ thống điện theo hướng sử dụng năng lượng sạch. Tuy nhiên, việc cải cách thị trường điện của EU đã bị trì hoãn nhiều tháng do bất đồng giữa Đức và Pháp liên quan đến việc định giá năng lượng hạt nhân và mức độ trợ cấp cho năng lượng này.
Là thế mạnh của Pháp, điện hạt nhân được kỳ vọng góp phần bảo đảm chủ quyền năng lượng quốc gia khi cả châu Âu bị lộ yếu điểm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng bên ngoài sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Điện hạt nhân cũng được coi là một trong 3 trụ cột chính giúp Pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải nhà kính vào năm 2050, song song với việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và chính sách tiết kiệm năng lượng.
EU thông qua luật mới để theo dõi tàu cá
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 17-10, các nhà lập pháp EU đã thông qua các quy định sửa đổi đối với các tàu đánh cá, yêu cầu các tàu lớn và từng vi phạm phải lắp đặt thiết bị định vị, camera để theo dõi sản lượng đánh bắt của họ. Các biện pháp mới cũng hài hòa mức phạt mà các tàu vi phạm quy định có thể bị phạt, dựa trên giá trị sản lượng đánh bắt mà họ nắm giữ thay vì các biện pháp trừng phạt được các nước EU khác nhau áp dụng trước đây. Luật kiểm soát nghề cá cập nhật phải nhận được sự chấp thuận cuối cùng từ các quốc gia thành viên trước khi được công bố trên công báo hành chính của Liên minh châu Âu (EU) và có hiệu lực 20 ngày sau đó. Các đội tàu đánh cá quy mô nhỏ sẽ có 4 năm để tuân thủ, trong khi một số tàu đánh cá nhỏ có thể có thời gian ân hạn đến năm 2030.
Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua dự luật với 438 phiếu thuận. Tổ chức vận động môi trường WWF đánh giá đây là sự phát triển quan trọng nhất trong chính sách thủy sản của EU trong một thập kỷ./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin