Theo báo cáo của tổ chức Oxfam công bố ngày 9/10, một số nước nghèo nhất trên thế giới có nguy cơ phải cắt giảm ngân sách tới 220 tỷ USD trong 5 năm tới do khủng hoảng nợ.
Ảnh minh họa: Người dân xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ ở ngoại ô thủ đô Lima, Peru. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Báo cáo nêu rõ, các nước có thu nhập thấp và thu nhập dưới trung bình sẽ đối mặt với việc mỗi ngày phải trả nợ gần 500 triệu USD cả gốc và lãi, từ nay đến năm 2029.
Oxfam nhấn mạnh số quốc gia đang phát triển lâm vào cảnh nợ nần hiện ở mức cao kỷ lục, trong bối cảnh lãi suất, lạm phát tăng cao trên toàn cầu và một loạt cú sốc kinh tế sau đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tài chính quốc gia. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch từng cho biết, từ năm 2020 đến tháng 3/2023 14 vụ vỡ nợ đã xảy ra tại 9 quốc gia.
Báo cáo của Oxfam được đưa ra trước thềm Hội nghị mùa thu thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), khai mạc ngày 9/10, tại thành phố Marrakech của Maroc. Oxfam kêu gọi IMF và WB tạo một hệ thống công bằng hơn, thay vì chỉ tập trung vào các biện pháp tái cơ cấu nợ và cắt giảm chi tiêu. Trước đó, Oxfam cùng các tổ chức cứu trợ đã kêu gọi các chủ nợ quốc tế xóa nợ cho các quốc gia đang phát triển rơi vào khủng hoảng kinh tế.
Dự kiến, việc xử lý nợ của một số quốc gia vỡ nợ như Zambia và Ghana sẽ đạt được tiến bộ tại Hội nghị của IMF và WB ở Marrakech. IMF tiếp tục đàm phán với Tunisia, Pakistan, Ai Cập và một số nước khác về những điều khoản đối với các khoản cho vay cứu trợ.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin