Gần 20 quốc gia quan tâm đến việc thiết lập quan hệ đối tác với Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đưa ra thông báo này ngày 2-10 khi phát biểu với báo giới trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Thảo luận quốc tế Valdai lần thứ 20 đang diễn ra ở thành phố Sochi (Nga).
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh thế giới đang trở nên đa cực và các quốc gia muốn tìm kiếm những đối tác tin cậy. Ông khẳng định BRICS là một trong những đối tác đáng tin cậy đó và có thể hỗ trợ cho mỗi quốc gia tham gia khối này. Theo Ngoại trưởng Lavrov, hiện đã có 6 nước gia nhập Nhóm BRICS và vẫn còn gần 20 quốc gia nữa muốn thiết lập quan hệ đặc biệt với khối này.
Sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra trong các ngày 22 đến 24-8 vừa qua tại thành phố Johannesburg, Nam Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tuyên bố mở rộng khối này. Theo đó, Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sẽ trở thành thành viên của Nhóm BRICS từ ngày 1-1-2024.
Australia cải tổ hệ thống cấp thị thực cho sinh viên quốc tế
Chính phủ liên bang Australia dự kiến sẽ sớm công bố những thay đổi trong việc cấp thị thực cho sinh viên quốc tế sau khi tiến hành một cuộc đánh giá rộng rãi về hệ thống này.
Cụ thể, Bộ trưởng Giáo dục Australia Jason Clare cho biết những thay đổi sẽ được công bố vào tuần tới nhằm lấp những “lỗ hổng” từng giúp người nước ngoài vào Australia bằng thị thực sinh viên để đi làm chứ không thực sự học tập. Đây sẽ là một trong nhiều cải tổ về thị thực được công bố sau đợt đánh giá hệ thống di dân do cựu ủy viên Cảnh sát bang Victoria Christine Nixon thực hiện.
Việc đánh giá được Bộ trưởng Nội vụ Clare O’Neil ủy quyền sau các báo cáo về nạn buôn người và bóc lột trong hệ thống thị thực. Ông Clare cho biết những thay đổi nhắm vào sinh viên quốc tế là cần thiết để bảo vệ ngành giáo dục. Hiện có những kẻ lừa đảo hoặc những nhà điều hành đang cố gắng bóc lột sinh viên và kiếm tiền từ đó.
WHO khuyến nghị sử dụng loại vắc-xin thứ hai để phòng sốt rét
Ngày 2-10, các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị nên cấp phép sử dụng một loại vắc-xin thứ hai phòng sốt rét nhằm giảm số ca mắc căn bệnh nguy hiểm do muỗi truyền này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo WHO khuyến nghị sử dụng loại vắc-xin thứ hai có tên gọi là R21/Matrix-M để ngăn nguy cơ trẻ em mắc bệnh sốt rét. Khuyến nghị này được đưa ra gần 2 năm sau khi WHO kêu gọi sử dụng vắc-xin phòng sốt rét đầu tiên của thế giới là RTS,S. Theo kế hoạch, vắc-xin R21/Matrix-M sẽ được triển khai tại một số nước châu Phi vào đầu năm 2024 và tại các nước khác vào giữa năm 2024. Mỗi liều vắc-xin sẽ có giá từ 2-4 USD. Ông Tedros cho biết WHO đang xem xét sơ tuyển vắc-xin này và sẽ cho phép Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc mua vắc-xin từ các nhà sản xuất.
Vắc-xin R21/Matrix-M do Đại học Oxford (Anh) bào chế và Viện Serum (Ấn Độ) sản xuất đại trà. Vắc-xin này đã được cấp phép sử dụng tại các nước Burkina Faso, Ghana và Nigeria./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin