Ủy ban châu Âu hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone

07:58, 13/09/2023

Ngày 11-9, Ủy ban châu Âu (EC) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2023 và 2024, trong đó kinh tế Đức giảm mạnh kéo đà tăng trưởng của khu vực đi xuống.

Trong báo cáo, EC nhận định kinh tế của Eurozone nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung sẽ tiếp tục tăng trưởng, song sẽ thấp hơn so với dự báo được đưa ra đầu năm nay. Cụ thể, EC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2023 từ mức 1,1% được đưa ra hồi tháng 5 xuống 0,8%. Theo EC, tăng trưởng kinh tế của khu vực gồm 20 nước thành viên Eurozone năm 2024 sẽ đạt 1,3%, giảm so mức dự báo 1,6% được đưa ra trước đó. Tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên EU năm tới sẽ ở mức 1,4%. Tỷ lệ lạm phát dự kiến của Eurozone năm nay cũng được điều chỉnh giảm từ mức 5,8% trong báo cáo trước đó xuống 5,6%, vẫn cao hơn lạm phát mục tiêu. Tỷ lệ lạm phát của khu vực năm tới sẽ ở mức 2,9%, tăng nhẹ so với mức dự báo 2,8% được đưa ra hồi tháng 5.

Mỹ, Ấn Độ lên kế hoạch xây “Vành đai và con đường” tới châu Âu 

Bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi ngày 9-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chính quyền ông có mục tiêu thiết lập một hành lang đường sắt và hàng hải quốc tế nối Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu. Nhà Trắng cho biết sáng kiến trên được gọi là Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC). IMEC nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách mở rộng liên kết và hội nhập giữa châu Á, các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư và châu Âu. Đề xuất này bao gồm hai hành lang được cho là sẽ đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Đó là một hành lang nối Ấn Độ bằng đường biển với Vịnh Ba Tư ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), và hành lang còn lại nối Vịnh Ba Tư từ UAE bằng đường bộ qua Saudi Arabia, Jordan và Israel, sau đó bằng đường biển tới Hy Lạp.

UNESCO kêu gọi quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong trường học

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) mới đây kêu gọi áp dụng các quy định nghiêm ngặt để quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lớp học, qua đó góp phần bảo vệ trẻ em. Việc xây dựng những chiến lược ở cấp quốc gia và toàn cầu nhằm bảo đảm sử dụng AI một cách có trách nhiệm, an toàn và có đạo đức đang là yêu cầu cấp bách. Trong bản hướng dẫn mới nhất mà UNESCO gửi tới các chính phủ, tổ chức này nhấn mạnh rằng, giới chức quản lý ở các nước vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết các vấn đề liên quan việc triển khai các chương trình AI tạo sinh trong trường học. Cơ quan này nhận định, việc dùng những chương trình AI thay cho các giáo viên có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của trẻ em, đẩy các em vào nguy cơ dễ bị thao túng. Bản hướng dẫn của UNESCO nêu rõ, các công cụ AI có tiềm năng giúp đỡ trẻ em như một trợ lý nghiên cứu, song những công cụ này chỉ trở nên an toàn và hiệu quả nếu các chính phủ quản lý việc sử dụng, đồng thời giáo viên, học sinh và nhà nghiên cứu cùng tham gia vào quá trình thiết kế công cụ./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com