Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy tín hiệu phục hồi kinh tế tích cực đã xuất hiện ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất đã tăng trở lại trong tháng 8 với Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) nhích lên, trong khi ở Mỹ, những diễn biến mới trên thị trường lao động khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sớm dừng tăng lãi suất.
Ảnh minh họa. |
Sau nhiều tháng tăng trưởng trì trệ, dữ liệu khảo sát mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tăng trở lại trong tháng 8. Chỉ số PMI tháng 8-2023 của lĩnh vực chế tạo do Caixin tổng hợp và công bố hôm 1-9 đã vượt trên mong đợi và đạt mức 51. Số liệu này cho thấy các điều kiện đang được cải thiện.
Các chuyên gia của Công ty Nghiên cứu Capital Economics đánh giá giữa lúc ngày càng nhiều thông tin ảm đạm phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, số liệu PMI tháng 8 là điểm sáng đối với thị trường, ngay cả khi chúng không cho thấy nhu cầu hàng hóa đang bùng nổ. Chỉ số PMI tháng 8 cho thấy các biện pháp kích cầu kinh tế của Chính phủ Trung Quốc bắt đầu phát huy tác dụng.
Thời gian qua, chính quyền Bắc Kinh đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, như cắt giảm lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng quốc doanh lớn nhất nước và nới lỏng các quy định cho vay đối với người mua nhà.
Những tín hiệu lạc quan hơn cũng đã xuất hiện ở nền kinh tế số một thế giới và diễn biến của thị trường lao động đang tạo điều kiện để FED dừng tăng lãi suất, thậm chí hạ lãi suất trong năm tới. Dữ liệu công bố ngày 1-9 cho thấy số việc làm của lĩnh vực phi nông nghiệp ở Xứ cờ hoa tăng cao hơn dự kiến, đạt 187 nghìn việc làm trong tháng 8.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng việc làm của Mỹ đang chậm lại, khiến niềm tin về việc FED dừng tăng lãi suất ngày càng lớn hơn. Trên thực tế, số lượng việc làm của Mỹ, trong tháng 7-2023 đã trở về mức trước đại dịch COVID-19, mở ra dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm nước này đang hạ nhiệt, đồng thời đem lại hy vọng cho FED trong việc có thể hạ thấp lạm phát mà không làm cho tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.
Chuyên gia Fiona Greig, nhà nghiên cứu và tư vấn chính sách đầu tư tại Công ty Vanguard, cho biết dữ liệu tỷ lệ luân chuyển lao động từ tháng 7 đã điều chỉnh trở lại mức trước đại dịch. Bên cạnh đó, chi tiêu có xu hướng yếu đi làm giảm mối lo lạm phát ở Mỹ.
Ủy ban Hội nghị thường niên các nhà doanh nghiệp Mỹ đã công bố dữ liệu nghiên cứu riêng, khẳng định có sự sụt giảm chung về niềm tin của người tiêu dùng, một dấu hiệu cho thấy có thể xảy ra hiện tượng giảm chi tiêu. Nhiều tháng qua, chống lạm phát luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Mỹ. Lạm phát của Mỹ, sau khi loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm, hiện vẫn cao hơn gấp đôi mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, với những tín hiệu kinh tế nêu trên, giới phân tích nhận định, nhiều khả năng FED sẽ giữ lãi suất ổn định ở mức 5,25-5,5% bắt đầu từ tháng 9. Dự kiến sau cuộc họp ngày 19 và 20-9, FED sẽ đưa ra các dự báo kinh tế mới, đem lại cái nhìn rõ nét hơn về triển vọng hướng đi của lãi suất trong thời gian tới.
Tín hiệu lạc quan hơn cũng đã xuất hiện từ thị trường dầu mỏ của thế giới. Dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc, Mỹ đã thúc đẩy các thương gia tăng dự trữ dầu để chuẩn bị cho triển vọng nhu cầu tăng, kéo theo giá “vàng đen” tăng. Mở đầu phiên giao dịch tuần này, giá dầu châu Á tăng, nhờ tâm lý tích cực của thị trường. Sáng 4-9, giá dầu thô Brent Biển Bắc đã tăng 0,2%, lên 88,72 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,3%, lên 85,8 USD/thùng. Tuần trước, cả hai loại dầu nêu trên cũng đã đạt mức tăng giá cao nhất trong hơn nửa năm qua, phá vỡ chuỗi giảm giá kéo dài trong hai tuần trước đó. Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, đây là dấu hiệu về xu hướng tăng giá dầu bền vững có thể xảy ra trong thời gian tới.
Trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới đang u ám, những tín hiệu tích cực từ kinh tế Trung Quốc và Mỹ đã thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho kinh tế toàn cầu vào năm tới. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt nhiều chông gai khi lĩnh vực bất động sản tiếp tục lún sâu vào khó khăn, xuất khẩu giảm sút.
Đà tăng trưởng và phục hồi của kinh tế Mỹ vẫn đối diện nhiều lực cản khi kinh tế toàn cầu thiếu động lực tăng trưởng, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc và cuộc chiến Ukraine tiếp tục gây tác động tiêu cực đến Mỹ và các nền kinh tế khác. Một khi hai đầu tàu kinh tế thế giới chưa “nóng máy”, kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể tăng tốc phục hồi./.
Theo Nhân Dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin