Lực lượng cứu hộ tại Maroc đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người bị nạn mắc kẹt trong những đống đổ nát với hy vọng còn sống sau trận động đất tối 8/9, thảm họa kinh hoàng nhất tại nước này trong hơn sáu thập niên qua. Theo số liệu cập nhật do Bộ Nội vụ Maroc công bố, số người chết đã lên 2.012 người; ít nhất 2.059 người bị thương, trong đó có 1.404 người trong tình trạng nguy kịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, hơn 300 nghìn người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.
Một chiếc xe bị hư hỏng sau động đất ở Marrakech. (Ảnh: Reuters) |
Bộ Nội vụ Maroc cho biết, hàng nghìn người đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất sau động đất. Nhiều đội cứu hộ đã được huy động nhằm tìm kiếm các nạn nhân và hỗ trợ người bị thương. Nước sạch, thực phẩm, cùng nhiều nhu yếu phẩm được cung cấp đến người dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng. Reuters đưa tin, động đất đã tàn phá các vùng núi gần thành phố Marrakech. Các nhân viên cứu trợ đối mặt khó khăn trong việc tiếp cận những ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nhất ở các vùng xa xôi quanh dãy núi High Atlas hiểm trở.
Nhằm tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa thiên tai, Quốc vương Maroc Mohammed VI kêu gọi người dân tham gia cầu nguyện tại các nhà thờ Hồi giáo trên khắp nước này trong ngày 10/9. Trước đó, ngày 9/9, Maroc công bố quyết định tổ chức quốc tang trong ba ngày, treo cờ rủ trên tất cả các tòa nhà công cộng.
Nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, như Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) gửi lời chia buồn tới người dân Maroc. Tổng Giám đốc WHO khẳng định, WHO sẵn sàng hỗ trợ Maroc đáp ứng những nhu cầu trước mắt về y tế. Các nước tiếp tục gửi lời chia buồn tới lãnh đạo và người dân Maroc, khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Maroc khắc phục hậu quả và phục hồi sau động đất.
Ngày 10/9, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha thông báo, Tây Ban Nha sẽ cử các đội tìm kiếm, cứu hộ tới Maroc hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất. Tây Ban Nha đã nhận được đề nghị hỗ trợ từ Maroc và khẳng định, việc hỗ trợ thể hiện tình đoàn kết của người dân hai nước. Chính phủ Tây Ban Nha đã chuẩn bị cử lực lượng từ Đơn vị khẩn cấp quân sự (UME) tới Maroc hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, cứu hộ. Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, Paris sẵn sàng hỗ trợ và đang chờ đề nghị chính thức từ Rabat.
Trước đó, Algeria thông báo mở cửa không phận cho các chuyến bay nhân đạo và y tế đến Maroc. Trong một tuyên bố ngày 9/9, Văn phòng Tổng thống Algeria cho biết Algeria sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo, vật chất và nhân lực trong tình đoàn kết với người dân Maroc ngay khi nhận được đề nghị giúp đỡ. Quan hệ ngoại giao giữa Algeria và Maroc gián đoạn từ năm 2021.
Trong khi đó, giới chuyên gia thuộc Đại học Montpellier (Pháp) cảnh báo về khả năng xảy ra các đợt dư chấn ở Maroc và có thể khiến những tòa nhà vốn bị ảnh hưởng từ trận động đất tiếp tục sụp đổ.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin