Nhiều nơi trên thế giới đang đối mặt tình trạng khô hạn ở mức nghiêm trọng, đe dọa làm xáo trộn các lĩnh vực kinh tế và ảnh hưởng cuộc sống mưu sinh của người dân. Thúc đẩy mọi quốc gia, mọi người dân bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước là trọng tâm của nhiều hội nghị quốc tế về nước trong thời gian qua, trong đó có Hội nghị Nước Thế giới lần thứ 18 mới diễn ra ở Trung Quốc.
Người dân ở Ciudad Juarez, Mexico được tặng những chai nước uống. Ảnh: Reuters |
Hàng loạt khu vực tại châu Mỹ đang loay hoay giải bài toán khan hiếm nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt. Peru vừa ban bố tình trạng khẩn cấp tại 544 khu vực trong vòng 60 ngày nhằm ứng phó nguy cơ thiếu nước. Quyết định được chính phủ quốc gia châu Mỹ này đưa ra sau khi báo cáo của các tổ chức khí hậu cho thấy, khả năng hình thành El Nino ở khu vực Trung và Đông Thái Bình Dương từ giờ cho đến mùa hè năm 2024 đang hiện hữu. Báo cáo nhận định, hành động giải quyết nguy cơ thiếu nước của các chính quyền địa phương tại Peru đến nay là chưa đủ, do hạn chế về mặt kỹ thuật.
Một quốc gia khác ở châu Mỹ là Panama cũng tìm kiếm nguồn cung cấp nước mới cho kênh đào Panama, trong bối cảnh tuyến đường thủy quan trọng của thế giới này phải áp dụng lệnh giới hạn tàu thuyền qua lại, từ 40 chiếc tàu/ngày xuống còn 32 tàu/ngày. Tình trạng hạn hán kéo dài khiến lượng nước lưu thông trong kênh đào Panama thấp dưới mức cho phép. Việc áp dụng lệnh hạn chế lượng tàu qua lại đã khiến Panama thất thu hàng chục triệu USD, đồng thời làm gia tăng sức ép đối với giá cả hàng hóa, bởi sự đình trệ trong lưu thông làm tăng các khoản phụ phí vận tải.
Tình trạng khô hạn xảy ra ở nhiều nơi, từ châu Mỹ đến châu Âu, châu Á, châu Phi là minh chứng cho thấy, hậu quả của biến đổi khí hậu đang len lỏi tới từng ngóc ngách của thế giới và không một quốc gia nào có thể miễn nhiễm trước tác động của thách thức chung này. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chu trình tự nhiên của nước thay đổi và gây ra những đợt hạn hán nghiêm trọng. Hệ quả là người dân ngày càng thiếu nước. Việc khai thác đá bừa bãi cũng làm thay đổi kiến tạo địa chất bao quanh những mạch nước ngầm, dẫn đến sự thay đổi lưu lượng dòng chảy.
Tại Hội nghị Nước Thế giới lần thứ 18 diễn ra mới đây ở Bắc Kinh, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước, cũng như thúc giục sự chia sẻ kinh nghiệm quản lý nước và hợp tác giải quyết các thách thức liên quan nguồn nước. Hội nghị khẳng định rằng, việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước là quyền và nghĩa vụ chung của tất cả các quốc gia và mọi cư dân trên Trái đất. Mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia cần nỗ lực đạt được mục tiêu phát triển hợp lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước trong khả năng của mình.
Nước là một trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc trong bối cảnh thế giới đang chật vật ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu, khan hiếm nước và ô nhiễm hiện nay. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), trên toàn cầu, cứ ba trường học thì có một trường không được cung cấp nước sạch; cứ ba trường thì có một trường không có nhà vệ sinh và hệ thống ống thoát nước. Trong khi đó, nước sạch và chỗ rửa tay là những điều kiện cơ bản để bảo vệ trẻ em trước các căn bệnh hô hấp, tiêu chảy... Sự chệch hướng trong nỗ lực đạt mục tiêu SDG về tiếp cận nước sạch cũng gây rủi ro cho hàng loạt mục tiêu khác, bởi nước có mối liên kết chặt chẽ với khí hậu, môi trường, lương thực, nghèo đói, sức khỏe...
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định rằng, nước xứng đáng được đặt vào vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự chính trị toàn cầu. Theo các chuyên gia từ Viện Nước quốc tế Stockholm (Thụy Điển), dù hành động của mỗi cá nhân trong bảo vệ nguồn nước là quan trọng, song để có được sự thay đổi bền vững, cần có những hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý và các chính phủ phải cam kết thực hiện mục tiêu bảo vệ tài nguyên nước./.
Theo Nhân Dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin