Theo hãng tin Reuters ngày 15-8, các nhà sản xuất Trung Quốc đang cạnh tranh gắt gao với các nhà sản xuất Đức tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là trong lĩnh vực hàng công nghiệp tiên tiến mà Đức dẫn đầu.
Một nghiên cứu của tổ chức tư vấn kinh tế IW cho thấy trong một số lĩnh vực, tỷ trọng nhập khẩu của Trung Quốc vào EU đã tăng lên bằng hoặc nhiều hơn trong hai năm tính đến năm 2022 so với thập kỷ trước, khiến tổ chức tư vấn này cảnh báo xuất hiện nguy cơ làm cho động lực kinh tế của Đức bị đình trệ.
Sau nhiều năm tăng trưởng, nền kinh tế Đức bước vào suy thoái vào tháng 5 năm nay khi các nhà xuất khẩu hàng đầu của nước này đối mặt với những khó khăn trong chuỗi cung ứng, lạm phát và chi phí năng lượng gia tăng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về tương lai công nghiệp của cường quốc kinh tế châu Âu.
Trong số những thách thức mà nghiên cứu trên liệt kê là vai trò của trợ cấp nhà nước Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc đang chiếm thị phần ngày càng tăng ở EU, trong khi chi phí năng lượng cao do mất nguồn cung khí đốt từ Nga đang làm suy yếu các ngành sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất.
Nhà nghiên cứu Juergen Matthes cho biết thêm, chi phí năng lượng cao cũng là một lực cản đối với xuất khẩu ô tô của Đức vào thời điểm các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc bắt đầu chinh phục thị trường châu Âu.
Iraq dừng trồng lúa và ngô vì thiếu nước tưới
Bộ trưởng Tài nguyên nước Iraq Aoun Diab Abdullah cho biết chính phủ đã ra lệnh ngừng trồng lúa và ngô trong năm nay do thiếu nước tưới. “Năm nay, nguồn cung cấp nước ngọt bị hạn chế. Vụ trồng lúa bắt đầu vào ngày 15-5 ở một số thuộc các tỉnh Najaf và Al Diwaniyah đã kết thúc. Quyết định được đưa ra áp dụng với vụ xuân, với hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể sử dụng các kỹ thuật tưới tiêu mới vào mùa tới”, Bộ trưởng Abdullah trả lời phỏng vấn tờ báo Al Sabaab.
Cuộc khủng hoảng nước ở Iraq diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây thiếu mưa và nhiệt độ tăng cao, cũng như việc tiêu thụ quá mức ở các quốc gia thượng nguồn, nơi dân số gia tăng đáng kể và sử dụng ồ ạt cho các dự án thủy lợi.
Iraq đã rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt nhiều năm gần đây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iraq Ahmed Al-Sahhaf cho biết nước này đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ và Iran chia sẻ nguồn nước từ các sông Tigris và Euphrates, đồng thời dự định giải quyết vấn đề thông qua đàm phán./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin