Mở rộng thành viên và hướng tới sự độc lập tài chính với phương Tây là hai thách thức quan trọng sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Johannesburg.
Lãnh đạo các nước thành viên nhóm BRICS tại cuộc hội đàm ở Pretoria ngày 22-8-2023. |
Theo đánh giá của Giáo sư Dmitry Trenin thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, chưa bao giờ Nhóm năm nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) thu hút được nhiều sự quan tâm trên khắp thế giới như trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 sẽ diễn ra trong tuần này tại Johannesburg (Nam Phi). Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của khối BRICS từ cuộc họp đầu tiên ở cấp bộ trưởng kinh tế bên lề Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg năm 2006 và Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên tại Ekaterinburg năm 2009.
Khoảng 20 quốc gia được cho là đang tìm cách gia nhập BRICS vốn chỉ có 5 thành viên sáng lập cho đến nay là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đây là một dấu hiệu của thời đại và chỉ ra hai điều: Khao khát của nhiều quốc gia ngoài phương Tây đối với cách thế giới được vận hành và sự phản kháng ngày càng tăng chống lại sự thống trị của phương Tây trong chính trị, kinh tế, tài chính và truyền thông toàn cầu.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là BRICS sẽ dễ dàng định hình lại trật tự thế giới. Trước Hội nghị Thượng đỉnh Johannesburg, hai vấn đề nổi lên như những thách thức chính đối với sự phát triển hơn nữa của nhóm.
Một là mở rộng thành viên. Một loạt quốc gia từ khắp nơi trên thế giới đã “xếp hàng” để xin trở thành thành viên của BRICS gồm Algeria, Argentina, Bangladesh, Belarus, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cuba, Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran, Kazakhstan, Mexico, Nigeria, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Mở rộng khối này sẽ trở thành một tuyên bố mạnh mẽ về một sự thay thế cho hệ thống liên minh và quan hệ đối tác do Mỹ dẫn đầu đang được xây dựng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu việc mở rộng như vậy có làm cho một BRICS đa dạng ngay lập tức mạnh hơn hay không?
Trong chính nội bộ BRICS, quan điểm về mở rộng khác nhau. Tuy nhiên, có một mô hình có thể chứng minh hữu ích. Một nhóm khác ngoài phương Tây, với một số quốc gia tham gia tương tự, đã quản lý vấn đề mở rộng mà không làm loãng hiệu quả. Đó là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SC)) với các thành viên sáng lập là Nga, Trung Quốc và ba quốc gia Trung Á. Theo thời gian, SCO đã tìm ra một công thức cho các loại quốc gia tham gia và các tiêu chí kiêm quy trình kết nạp thành viên đầy đủ mới. Tổ chức này đã có thể mở rộng với một loạt các thành viên khác như Ấn Độ, Pakistan, Uzbekistan và Iran. Nếu cách tiếp cận SCO được BRICS áp dụng, đây có thể là một giải pháp.
Thách thức khác đối với khối BRICS là đưa ra các công cụ tài chính mới để giảm sự phụ thuộc của các nền kinh tế ngoài phương Tây vào đồng USD. Việc Washington vũ khí hóa đồng tiền của mình trong cuộc chiến hỗn hợp chống lại Nga, đồng thời thao túng thương mại và công nghệ chống lại Trung Quốc đã khiến vấn đề trở nên cấp bách.
BRICS thường được so sánh với G7. Tuy nhiên, hai nhóm về cơ bản khác nhau về tham vọng, cấu trúc và sự phát triển. G7 đồng nhất về chính trị, kinh tế và ý thức hệ, trong khi BRICS giàu sự đa dạng về mọi mặt; G7 về cơ bản được Mỹ lãnh đạo trong khi trong BRICS sức nặng kinh tế của Trung Quốc không chuyển thành sự thống trị của Bắc Kinh. G7 theo chủ nghĩa toàn cầu theo nghĩa tìm cách áp đặt các mô hình và đạo đức của mình lên phần còn lại của thế giới, và các nước BRICS hoàn toàn tập trung vào chủ quyền quốc gia của họ. Đồng thời, G7 rõ ràng là độc quyền, với phương Tây ngồi trên phần còn lại, trong khi BRICS thì ngược lại: Nó bao gồm sự đa dạng của các nền văn minh và văn hóa khác nhau.
Vai trò của G7 là duy trì trật tự cũ mà phương Tây chiếm ưu thế, trong khi tham vọng của các thành viên BRICS là xây dựng các yếu tố của một trật tự thế giới mới, đa dạng hơn và cân bằng hơn - trước hết là giữa họ và sau đó tác động hơn nữa đến sự phát triển của hệ thống thế giới. Đó là cốt lõi của cái mà người ta có thể gọi là Thế giới đa số nhằm mục đích phát triển hơn là thống trị. Mục tiêu của BRICS chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và không phải là không bị phản đối, nhưng với nhiều mảnh ghép hơn được gắn vào, nền tảng của một trật tự thế giới cởi mở và toàn diện hơn cuối cùng có thể sẽ xuất hiện./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin