22 nước sẽ tham dự chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN 43

07:58, 31/08/2023

Phát biểu tại một sự kiện ngày 28-8, Ngoại trưởng Indonesia Retno cho biết, các nước tham dự bao gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Timor Leste với tư cách quan sát viên, 9 nước đối tác đối thoại đồng thời là các nước thành viên Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS - bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Canada, Nga, Mỹ), cùng 2 quốc gia khách mời là Bangladesh và Quần đảo Cook.

Theo bà Retno, đây là kỳ Hội nghị Cấp cao ASEAN lớn nhất từng được tổ chức với sự tham gia của ASEAN 11, cùng với nhiều nước thành viên EAS. Tại Hội nghị, Ban Thư ký ASEAN, Ban Thư ký PIF và IORA sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác. Bên cạnh PIF và IORA, một số tổ chức khác cũng sẽ tham dự hội nghị, trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) và Ban Thư ký hợp tác ba bên (TCS), Liên hợp quốc (với tư cách đối tác toàn diện) và Diễn đàn Thương mại thế giới. Trong thời gian từ ngày 5 đến 7-9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo - Chủ tịch ASEAN năm 2023, sẽ chủ trì 12 cuộc họp, bao gồm phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp Hội nghị cấp cao ASEAN 43, các cuộc họp giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Australia, Liên hợp quốc và các nước thành viên EAS. 

Chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN 43 sẽ tập trung vào 4 trọng tâm chính, bao gồm việc thiết lập nền tảng cho tầm nhìn dài hạn của ASEAN, giúp ASEAN trở nên kiên cường hơn để ứng phó với các thách thức của thời đại, đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế và biến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình và thịnh vượng.

Liên hợp quốc cảnh báo "thảm họa toàn cầu" do vũ khí hạt nhân

Ngày 29-8, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã tổ chức một cuộc họp toàn thể cấp cao nhân Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân.

Chủ trì cuộc họp, Chủ tịch ĐHĐ LHQ, ông Csaba Korosi cảnh báo về “thảm họa toàn cầu” do vũ khí hạt nhân mang lại. Ông nhấn mạnh “có nhiều dấu hiệu cho thấy các kho dự trữ và năng lực hạt nhân đang gia tăng, đi ngược lại Hiệp ước không phổ biến hạt nhân”, đồng thời cảnh báo: “Chúng ta đang đến gần thảm họa toàn cầu hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong thế kỷ này”.

Chủ tịch ĐHĐ LHQ cho rằng cần một cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm để giải trừ vũ khí hạt nhân, theo đó tập trung vào việc ngăn chặn khổ đau và sự tàn phá môi trường một cách vô nghĩa và thực hiện điều này thông qua một quy trình đa phương toàn diện và nhất quán.

Chủ tịch ĐHĐ LHQ khẳng định, việc sử dụng bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào vào bất kỳ mục đích nào sẽ ngay lập tức vượt khỏi tầm kiểm soát. Ông kêu gọi “vì sự an toàn của mọi người trên toàn cầu, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực hướng tới một thế giới không có mối đe dọa hạt nhân”./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com