Bộ Kinh tế Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vừa áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng.
Bộ đã thông báo trên mạng xã hội rằng lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 28-7, bao gồm các khu vực tự do ở UAE và áp dụng cho tất cả các loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm. Thông báo cho biết các công ty muốn xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu gạo phải xin giấy phép xuất khẩu của Bộ Kinh tế. Lệnh cấm có thể tự động gia hạn trừ phi có quyết định hủy bỏ việc thực hiện lệnh này.
Lệnh cấm của UAE được đưa ra sau khi Chính phủ Ấn Độ tuần trước quyết định cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường do giá tăng trên thị trường nội địa và mùa màng thiệt hại đáng kể do mưa to. UAE phải nhập khẩu gần 90% lượng lương thực tiêu thụ trong nước.
Nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất Nhật Bản tái vận hành sau 12 năm đóng cửa
Sau 12 năm ngừng hoạt động, tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân (NPP) Takahama 40 năm tuổi, lâu đời nhất ở Nhật Bản, đã được kích hoạt lại vào ngày 28-7.
Công ty Điện lực Kansai (KEPCO), đơn vị chịu trách nhiệm vận hành nhà máy Takahama, cho biết tổ máy đã được kích hoạt lại vào lúc 15h giờ địa phương. Nhà máy điện hạt nhân Takahama đã ngừng hoạt động sau thảm kịch tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 vào năm 2011. Đơn vị này dự kiến bắt đầu sản xuất điện vào ngày 2-8 và nếu tất cả các thử nghiệm đều thành công, nó sẽ đạt công suất tối đa vào khoảng ngày 28-8.
Nhà máy điện hạt nhân Takahama, nằm ở tỉnh Fukui trên đảo Honshu lớn nhất của Nhật Bản, được đưa vào vận hành năm 1974, trở thành nhà máy lâu đời nhất của xứ sở Mặt Trời mọc. Đây cũng là nhà máy điện hạt nhân thứ hai có tuổi đời hơn 40 năm được kích hoạt lại sau thảm kịch tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Theo quy định luật pháp Nhật Bản, giới hạn thời gian hoạt động tối đa của lò phản ứng NPP là 40 năm. Nó có thể được gia hạn thêm 20 năm nếu tất cả các yêu cầu được đáp ứng và tất cả các cuộc kiểm tra đều được thông qua.
Indonesia thúc đẩy thành lập Trung tâm nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu ASEAN
Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy việc thành lập một Trung tâm nghiên cứu khu vực dành cho các nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia thành viên ASEAN. Việc thúc đẩy thành lập Trung tâm nghiên cứu dành cho các nhà nghiên cứu ASEAN được Chính phủ Indonesia giao cho Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia Indonesia (BRIN).
Theo ông Ahmad Njjib Burhani, người đứng đầu bộ phận Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc BRIN, Trung tâm mới này có thể giúp tối ưu hóa khả năng dịch chuyển “chất xám” của khu vực, đồng thời thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia ASEAN. Indonesia kỳ vọng với việc thành lập Trung tâm nghiên cứu của riêng mình, ASEAN có thể trở thành quyền lực mới trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học và kinh tế, từ đó vươn lên cạnh tranh với các trung tâm khoa học khác của thế giới như châu Âu, Mỹ, Australia… và đóng góp mạnh mẽ hơn vào nền khoa học thế giới.
Ông Ahmad đánh giá, ASEAN có tiềm năng đa dạng sinh học phong phú. Đây cũng là một thế mạnh của Indonesia. Nếu các quốc gia thành viên ASEAN cùng nhau nghiên cứu và phát triển thì tiềm năng này sẽ được tối ưu hóa. Bên cạnh đó, ASEAN còn có một tài sản mang tính chiến lược là dân số với ước tính 670 triệu người. Theo ông Ahmad, ngoài đa dạng sinh học, các nhà nghiên cứu ASEAN còn có thể mở rộng hợp tác nghiên cứu trong những lĩnh vực tiềm năng khác như: biến đổi khí hậu, các vấn đề môi trường./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin