Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 12-7, Hội nghị thường niên lần thứ sáu Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN) đã khai mạc tại Bali với sự tham dự của đại diện các quốc gia và địa phương trong khu vực.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nội vụ Indonesia Muhammad Tito Karnavian kêu gọi các chính phủ tiếp tục thúc đẩy triển khai thành phố thông minh bằng cách xây dựng nền tảng vững chắc để đối phó với các thách thức đô thị hóa và phát triển, cũng như xây dựng năng lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp. Trong bài phát biểu được ghi hình trước, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đã đánh giá cao cam kết vững chắc của Indonesia đối với sự phát triển của các thành phố thông minh và bền vững trong khu vực. Ông Kao nhấn mạnh 3 điểm chính để tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực xây dựng thành phố thông minh và bền vững ASEAN, bao gồm chia sẻ kiến thức và học hỏi giữa các thành phố và với chính phủ các nước; tăng cường hợp tác về quy hoạch và quản lý thành phố; và thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư - nhân dân.
Tại Hội nghị kéo dài 2 ngày này, các đại biểu sẽ thảo luận về việc triển khai các dự án thành phố thông minh của ASCN ASEAN, phát triển bộ công cụ đầu tư thành phố thông minh ASEAN, và mở rộng thành viên ASCN.
Nợ công toàn cầu vượt ngưỡng 92 nghìn tỷ USD vào năm 2022
Theo báo cáo nợ công toàn cầu được Liên hợp quốc công bố ngày 12-7, nợ công trong nước và nợ nước ngoài trên toàn thế giới đã tăng hơn 5 lần trong 2 thập kỷ qua, vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 3 lần tính từ 2002. Nợ công toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục 92 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Các khoản nợ của các nước đang phát triển chiếm 30% nợ công toàn cầu. Trong đó, 70% là các khoản nợ của Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. 59 quốc gia đang phát triển có thể chứng kiến tỷ lệ nợ công/GDP trên 60% - ngưỡng thể hiện mức nợ công cao. Báo cáo của Liên hợp quốc nêu rõ nợ công đã trở thành gánh nặng đáng kể cho các nước đang phát triển do thiếu tiếp cận tài chính, lãi suất tăng, đồng nội tệ mất giá và tăng trưởng kinh tế chậm chạp. Hơn nữa, cấu trúc tài chính quốc tế khiến việc tiếp cận tài chính của các nước đang phát triển vừa không phù hợp vừa đắt đỏ, dẫn chứng các khoản thanh toán lãi suất nợ công ròng đã vượt 10% doanh thu của 50 nền kinh tế mới nổi toàn cầu. Liên hợp quốc kêu gọi các chủ nợ quốc tế nới rộng các điều kiện tài chính, với các biện pháp như tăng tiếp cận tài chính cho các nước đang chịu áp lực nợ công./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin