Ngày 19-7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã ký thành luật Dự luật ngôn ngữ ký hiệu của Nam Phi trong một buổi lễ tại Tòa nhà Liên minh ở Thủ đô Pretoria. Theo đó, Nam Phi trở thành quốc gia thứ 4 trên lục địa châu Phi công nhận ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ chính thức, bên cạnh các quốc gia khác là Kenya, Zimbabwe và Uganda.
Tổng thống Ramaphosa cho biết việc công nhận Ngôn ngữ ký hiệu Nam Phi (SASL) là ngôn ngữ chính thức thứ 12 là một bước quan trọng hướng tới việc thực hiện quyền của những người khiếm thính. Ông nhấn mạnh: “Ngôn ngữ ký hiệu Nam Phi là một ngôn ngữ bản địa cấu thành một yếu tố quan trọng của di sản văn hóa và ngôn ngữ Nam Phi. Ngôn ngữ này có cấu trúc ngữ pháp và từ vựng riêng biệt và độc lập với bất kỳ ngôn ngữ nào khác”. Ước tính có trên 600 nghìn người sử dụng ngôn ngữ ký hiệu Nam Phi.
Ấn Độ bỏ xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên đối với khách quốc tế
Bộ Y tế Ấn Độ tiếp tục nới lỏng các hướng dẫn về COVID-19, theo đó dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm RT-PCR ngẫu nhiên đối với 2% du khách quốc tế. Hướng dẫn mới có hiệu lực từ 0h ngày 20-7.
Các hướng dẫn đã được nới lỏng sau khi Ấn Độ ghi nhận những bước tiến quan trọng trong việc tiêm chủng. Tuy nhiên, hướng dẫn vẫn bao gồm các yêu cầu như tất cả du khách tốt nhất cần được tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm vắc-xin COVID-19 đã được phê duyệt ở quốc gia mình; thông báo trên chuyến bay về COVID-19, bao gồm các biện pháp phòng ngừa cần tuân thủ (ưu tiên sử dụng khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn) trong các chuyến bay/hành trình và tại tất cả các điểm nhập cảnh. Bên cạnh đó, hướng dẫn cũng quy định bất kỳ hành khách nào có các triệu chứng COVID-19 trong khi đi du lịch sẽ được cách ly theo quy trình tiêu chuẩn, theo đó phải đeo khẩu trang, cách ly và tách biệt với các hành khách khác trong chuyến bay/hành trình, sau đó được chuyển đến cơ sở cách ly để tiếp tục theo dõi điều trị. Hành khách xuống máy bay phải đảm bảo giữ khoảng cách an toàn; những hành khách được phát hiện có triệu chứng trong quá trình sàng lọc sẽ được cách ly ngay lập tức và được đưa đến cơ sở y tế theo quy trình y tế trên.
Giai đoạn 2018-2022, chi tiêu cho bảo vệ môi trường của EU tăng 24%
Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 19-7 cho biết, trong giai đoạn 2018-2022, chi tiêu cho bảo vệ môi trường của Liên minh châu Âu (EU) đã tăng 24%. Mặc dù có sự sụt giảm năm 2020 do trùng với thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, song đầu tư vào lĩnh vực này đã phục hồi trở lại từ năm 2021.
Tính riêng năm 2022, EU đã chi 69 tỷ euro (77,47 tỷ USD) cho những nỗ lực bảo vệ môi trường, tập trung chủ yếu vào dịch vụ xử lý nước thải (44%) và quản lý chất thải (25,7%). Tiếp đó là bảo vệ không khí (10,5%); bảo vệ chống bức xạ, nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường khác (7,8%). Tuy nhiên, đầu tư cho bảo vệ đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên chỉ chiếm 4,4% trong tổng mức đầu tư nói trên./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin