23,4 triệu người dân tại vùng Sừng châu Phi hứng chịu tình trạng mất an ninh lương thực và 5,1 triệu trẻ em nơi đây bị suy dinh dưỡng do các điều kiện khô hạn kéo dài.
Gia súc bị chết do hạn hán kéo dài tại Oromia, nam Ethiopia, ngày 16/3/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN) |
Ngày 16/7, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc công bố báo cáo cho biết điều kiện khô hạn nghiêm trọng tại vùng Sừng châu Phi đã khiến khoảng 2,7 triệu người dân nơi đây buộc phải di dời khỏi nơi ở.
Trong bản cập nhật về tình hình khu vực, WFP thống kê khoảng 1,7 triệu người rơi vào hoàn cảnh trên tại Somalia, trong khi con số tại Ethiopia và Kenya lần lượt là 516.000 và 466.000 người, và cảnh báo xu hướng này càng làm tồi tệ hơn tình trạng mất an ninh lương thực tại khu vực nghèo đói này.
Báo cáo đưa ra nhận định “Vùng Sừng châu Phi đã trải qua thời tiết khô hạn tiếp nối những mùa mưa có lượng mưa dưới trung bình kể từ năm 2020, gây tác động tới nông nghiệp, chăn nuôi, thảm thực vật, nguồn nước, kế sinh nhai và hoạt động chăn thả.”
Cơ quan của Liên hợp quốc này ước tính, tổng cộng khoảng 23,4 triệu người dân tại vùng Sừng châu Phi hứng chịu tình trạng mất an ninh lương thực và 5,1 triệu trẻ em nơi đây bị suy dinh dưỡng do các điều kiện khô hạn kéo dài.
Hồi đầu năm, WFP cũng từng cảnh báo về một mùa mưa dưới trung bình từ tháng ba tới tháng năm năm nay sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho các cộng đồng tại khu vực nằm ở Đông Bắc châu phi này.
Báo cáo của Tổ chức Hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA) công bố ngày 27/4 cho biết hiện tượng toàn cầu bị ấm lên chính là nguyên nhân gây nên đợt hạn hán tàn khốc ở vùng Sừng châu Phi.
Kể từ cuối năm 2020, các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi, gồm Djibouti, Ethiopia, Eritrea, Kenya, Somalia, Nam Sudan và Sudan, đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin