Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ tổ chức cuộc thảo luận chính thức đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI) trong tuần này tại New York, Mỹ. Dự kiến, cuộc thảo luận sẽ diễn ra vào ngày 18-7 dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Anh James Cleverly. Trong tháng 7 này, Anh đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của HĐBA LHQ. Nước này đang tìm kiếm vai trò lãnh đạo toàn cầu trong việc ban hành các quy định quản lý AI. London đã kêu gọi đối thoại quốc tế về tác động của AI đối với hòa bình và an ninh toàn cầu. Nhiều chính phủ trên khắp thế giới đang xem xét cách giảm thiểu những nguy cơ của công nghệ AI mới nổi, vốn có thể định hình lại nền kinh tế toàn cầu và thay đổi cục diện an ninh quốc tế.
Thế giới đang đối mặt với sự bùng nổ về nội dung được tạo ra từ công nghệ AI tạo sinh kể từ khi ứng dụng GPT ra mắt vào cuối năm ngoái. Nhiều nước trên thế giới đang tìm cách quản lý các chatbot như vậy và đảm bảo công nghệ này không gây nguy hiểm cho nhân loại.
Tunisia và Liên minh châu Âu ký thỏa thuận chiến lược về kinh tế, di cư
Ngày 16-7, đại diện của Tunisia và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết tại Thủ đô Tunis bản ghi nhớ về “quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện” trong các lĩnh vực di cư bất thường, phát triển kinh tế và năng lượng tái tạo. Phát biểu trước truyền thông quốc tế trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Tunisia Kais Saied sau lễ ký, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã ca ngợi thỏa thuận mới này là bước đi hướng tới “đầu tư cho sự thịnh vượng chung”.
Trong thời gian qua, EU đã tìm nhiều biện pháp để hỗ trợ Tunisia ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ khu vực Bắc Phi vượt biển Địa Trung Hải trên những hành trình nguy hiểm với hi vọng tới được châu Âu. Chủ tịch EC khẳng định EU “sẵn sàng hỗ trợ Tunisia” và sẽ cấp ngân sách “ngay khi các điều kiện cần thiết được thỏa mãn”.
Chuyến tàu cuối cùng chở ngũ cốc Ukraine rời cảng Odessa
Ngày 16-7, chuyến tàu cuối cùng chở ngũ cốc của Ukraine theo thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã rời cảng Odessa trước khi thỏa thuận dự kiến hết hạn vào ngày 17-7. Tháng 7-2022, Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và LHQ đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và lần gia hạn gần đây nhất có hiệu lực từ ngày 18-5 và kéo dài trong 2 tháng. Cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu nông sản lớn, nhưng cuộc xung đột giữa hai nước khiến mùa màng tổn thất, cảng biển bị phong tỏa đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xuất khẩu lúa mì của Ukraine./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin