Theo Reuters và TTXVN, Chính phủ liên minh của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã sụp đổ do bất đồng không thể vượt qua về cách giải quyết vấn đề người di cư.
Trong một động thái liên quan, Chính phủ Hà Lan xác nhận Thủ tướng Rutte đã trình đơn từ chức và đến tiếp kiến Nhà vua Willem-Alexander. Ủy ban bầu cử Hà Lan cho biết, cuộc bầu cử mới dự kiến được tổ chức sớm nhất vào giữa tháng 11 tới. Ông Rutte sẽ điều hành một chính phủ tạm quyền cho tới khi cuộc bầu cử diễn ra.
Liên minh cầm quyền hiện nay là liên minh thứ 4 do ông Rutte lãnh đạo kể từ khi nhậm chức lần đầu vào năm 2010. Tuy nhiên, liên minh này chỉ mới lên nắm quyền từ tháng 1-2022. Các đảng đã bất đồng về kế hoạch của ông Rutte siết chặt các biện pháp hạn chế đoàn tụ gia đình của người xin tị nạn, biện pháp nhằm hạn chế số người di cư sau vụ bê bối liên quan các trung tâm tị nạn quá tải.
Giá lương thực thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua
Ngày 7-7, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) thông báo, chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 6 đã tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua. Nguyên nhân do giá đường, dầu thực vật, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa đều giảm.
Chỉ số giá của FAO là “thước đo” theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu. Trong tháng 6, chỉ số này đạt 122,3 điểm, giảm so với mức 124 điểm đã sửa đổi của tháng 5. Giá lương thực toàn cầu tháng 6 đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 4-2021, thấp hơn 23,4% so mức cao nhất từ trước đến nay, ghi nhận vào tháng 3-2022, sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu. Theo FAO, chỉ số giá ngũ cốc giảm 2,1% trong tháng 6 so tháng trước, với giá ngô, lúa mạch, lúa mì và gạo đều giảm.
NATO tăng cường an ninh cho hội nghị thượng đỉnh
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang triển khai các biện pháp nhằm tăng cường an ninh cho hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này, dự kiến diễn ra trong hai ngày 11 và 12-7 tới tại Litva.
Dự kiến, các nhà lãnh đạo của NATO sẽ nhóm họp để giải quyết một loạt vấn đề, từ chia rẽ về tư cách thành viên của Ukraine đến vướng mắc trong kết nạp Thụy Điển và các kế hoạch phòng thủ đầu tiên trong nhiều thập niên.
Để đảm bảo an ninh cho các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị, đến nay 16 quốc gia thành viên NATO đã gửi tổng cộng khoảng 1.000 binh sĩ đến Litva. Nhiều nước cũng cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến mà quốc gia Baltic này còn thiếu như tên lửa Patriot dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, hệ thống phòng không NASAMS, pháo tự hành Caesar… Phát biểu với báo giới, Tổng thống Litva - Gitanas Naused cho rằng nỗ lực của các đồng minh nhằm bảo đảm an ninh phòng không cho Hội nghị thượng đỉnh NATO có nghĩa là liên minh quân sự cần nhanh chóng thiết lập lực lượng phòng không thường trực ở các nước Baltic./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin