Ngày 3-7, Saudi Arabia thông báo gia hạn đến tháng 8 quyết định tự nguyện giảm 1 triệu thùng dầu khai thác/ngày. Trong khi đó, Nga cho biết tiếp tục giảm sản lượng dầu xuất khẩu. Đây là những động thái mới nhất của các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) nhằm ổn định thị trường “vàng đen”.
Tại cuộc họp ở Vienna (Áo) ngày 4-6, OPEC+ đã nhất trí điều chỉnh sản lượng khai thác ở mức 40,46 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024. OPEC+ cho rằng sự thay đổi này phù hợp với cam kết liên tục của hiệp hội và các đối tác bên ngoài, dẫn đầu là Nga, “nhằm hướng đến và duy trì thị trường dầu mỏ ổn định, đồng thời đưa ra định hướng dài hạn cho thị trường”, trong đó, có tính đến cách tiếp cận chủ động và đón đầu thành công của những năm trước.
EU đề ra thời hạn hoàn thành thỏa thuận về người di cư
Ngày 3-7, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết Liên minh châu Âu (EU) muốn một thỏa thuận vào cuối năm nay, trong đó đưa ra các nội dung về cách xử lý hàng nghìn người di cư đang hướng về châu lục này.
Phát biểu trong cuộc họp báo với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết: “Tôi hy vọng chúng tôi có thể giải quyết vấn đề lớn này trong năm nay. Từ góc độ chính trị, đây sẽ là một biểu tượng quan trọng, sau nhiều năm đối diện với cuộc khủng hoảng di cư”. Giới chức châu Âu đang hy vọng về một thỏa thuận tái phân bổ những người di cư đang xin tị nạn ở EU. Tuy nhiên, một số quốc gia như Italy, Hy Lạp hay Tây Ban Nha cho rằng họ phải chịu gánh nặng bất công khi là điểm đến chính của người di cư. Trong khi đó, các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc ở Hungary và Ba Lan phản đối kế hoạch tái phân bổ nêu trên.
Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ biến đổi khí hậu phủ bóng tương lai nhân loại
Ngày 3-7, phát biểu tại phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Cao ủy về nhân quyền Volker Turk cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang quét sạch mùa màng, gây tổn thất cho ngành chăn nuôi và hệ sinh thái, khiến các cộng đồng gặp khó khăn trong việc tái thiết và tự túc trong cuộc sống của họ. Ông trích dẫn số liệu chính thức, cho biết trong năm 2021 hơn 828 triệu người trên thế giới phải hứng chịu nạn đói. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, số người lâm vào cảnh nghèo đói trong tương lai có thể tăng thêm 80 triệu người nữa.
Ông Volker Turk nhấn mạnh giải quyết biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính nhân quyền, đồng thời hối thúc các hành động thiết thực và khẩn trương để đảm bảo tương lai bền vững cho thế hệ sau. Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền cho rằng nhân loại hiện có trong tay những công nghệ tân tiến và tối ưu nên hoàn toàn đủ khả năng để thay đổi thực trạng biến đổi khí hậu này. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi chấm dứt trợ cấp cho ngành nhiên liệu hóa thạch khi ngành công nghiệp này đang góp phần khiến lượng phát thải khí CO2 trên đà tăng và đạt mức cao nhất trong lịch sử./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin