Chủ tịch Ủy ban AU kêu gọi các bên giải quyết mọi vấn đề để nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc và phân bón một cách an toàn từ Ukraine và Nga đến những nơi cần chúng, đặc biệt là ở châu Phi.
Tàu chở ngũ cốc của Ukraine di chuyển dọc Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 2/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Liên minh châu Phi (AU) ngày 18/7 đã bày tỏ "lấy làm tiếc" về quyết định của Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép các tàu chở ngũ cốc di chuyển một cách an toàn từ các cảng biển của Ukraine qua Biển Đen.
Trong một phát biểu đăng tải trên tài khoản Twitter chính thức, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat nói rằng: "Tôi lấy làm tiếc về việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen mà AU đã ủng hộ ngay từ đầu. Tôi kêu gọi các bên giải quyết mọi vấn đề để nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc và phân bón một cách an toàn từ Ukraine và Nga đến những nơi cần chúng, đặc biệt là ở châu Phi".
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine hồi năm ngoái đã chứng kiến các cảng trên Biển Đen của Ukraine bị các tàu chiến phong tỏa cho đến khi một thỏa thuận do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian được ký kết vào tháng 7/2022, cho phép các chuyến hàng ngũ cốc quan trọng đi qua. Ngày 17/7, Nga đã từ chối gia hạn thỏa thuận này.
Những người dân dễ bị tổn thương ở các quốc gia nhập khẩu ngũ cốc đang phải phụ thuộc vào nguồn cung ngũ cốc nói trên.
Các tổ chức nhân đạo cho biết điều này sẽ được cảm nhận sâu sắc ở nhiều khu vực của châu Phi, châu lục phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung ngũ cốc từ Nga và Ukraine.
Hiện hàng triệu người ở châu Phi đang phải đối mặt với nạn đói ở mức độ nghiêm trọng. Giá ngũ cốc ở lục địa nghèo nhất thế giới đã tăng mạnh do lượng ngũ cốc xuất khẩu giảm sút, làm trầm trọng thêm tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine và biến đổi khí hậu.
Trước đó, Hãng thông tấn RIA ngày 17/7 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc rằng, Moskva phản đối việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen.
Thỏa thuận này do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7 năm ngoái, nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng cách cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, vốn bị phong tỏa do chiến tranh ở Ukraine, một cách an toàn.
Thỏa thuận này hết hạn trong ngày 17/7.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin