Ngày 13/6, tại Đà Nẵng, diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 42 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) và các cuộc họp liên quan. Đây là chuỗi sự kiện nằm trong khuôn khổ năm Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch trong hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai 2023.
Phiên khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 42 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai. |
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có ngài Ekkaphab Phanthavong, Phó Tổng Thư ký ASEAN, cùng hơn 60 đại biểu quốc tế là lãnh đạo, cán bộ các cơ quan phòng, chống thiên tai của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (Trung tâm AHA), các đối tác phát triển của ASEAN gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số tổ chức quốc tế trong khu vực. Đông Timor tham dự với vai trò quan sát viên tại hội nghị.
Ngoài ra, tham gia sự kiện còn có đại diện một số Bộ cơ quan, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai của Việt Nam; lãnh đạo và cán bộ các đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngày 13/6, Hội nghị ACDM lần thứ 42 tập trung thảo luận các nội dung: Cập nhật tiến độ thực hiện chương trình công tác Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (AADMER) giai đoạn 2021-2025; rà soát các tiến độ xây dựng và triển khai các văn kiện, cơ chế, hoạt động về hợp tác khu vực trong quản lý thiên tai như: Chiến lược khu vực ASEAN về khắc phục hậu quả thiên tai (2023- 2024); sáng kiến của thanh niên ASEAN vì một khu vực chống chịu thiên tai; khung truyền thông rủi ro thiên tai ASEAN; quy định tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp ASEAN; Chuẩn bị công tác diễn tập khu vực ASEAN về ứng phó khẩn cấp thiên tai (ARDEX) 2023 tại Indonesia…
Trong 2 ngày 14 và 15/6 sẽ diễn ra một số cuộc họp liên quan: Họp Ban Quản trị Trung tâm AHA lần thứ 18; Diễn đàn ASEAN về chống chịu thiên tai (ADRP) lần thứ 3; các cuộc họp giữa ACDM và các đối tác phát triển trong khu vực gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Năm 2023, Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch trong hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai 2023, Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên tích cực và có uy tín cao trong khối ASEAN, trong đó hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai là một nội dung hợp tác quan trọng của ASEAN trong trụ cột Cộng đồng Văn hóa Xã hội.
Trong những năm gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tích cực tham gia triển khai Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) và vận hành Trung tâm điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (Trung tâm AHA) để ứng phó với các thiên tai lớn trong khu vực, hỗ trợ một số quốc gia ASEAN ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19, cũng như triển khai hỗ trợ nhân đạo của ASEAN tại Myanmar theo chỉ đạo của lãnh đạo ASEAN.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là cơ quan đầu mối, đã tích cực tham gia vào các hoạt động, cơ chế hợp tác khu vực về quản lý thiên tai.
Theo trình tự luân phiên giữa các quốc gia ASEAN, năm 2023, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch của các cơ chế hợp tác bao gồm: Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, Chủ tịch hội nghị lần thứ 12 các bên tham gia Hiệp định AADMER, Chủ tịch AMMDM + Hàn Quốc, AMMDM + Trung Quốc, AMMDM + Nhật Bản. Chủ tịch ACDM, Chủ tịch ACDM + Hàn Quốc, ACDM + Trung Quốc, ACDM + Nhật Bản và Chủ tịch Ban quản trị Trung tâm AHA.
Việc đăng cai tổ chức diễn đàn lớn về quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN là nghĩa vụ của Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam chủ động dẫn dắt, góp phần nâng cao hiệu quả, vị thế và thể hiện vai trò trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai nói riêng và trong xây dựng Cộng đồng ASEAN và quan hệ giữa ASEAN và các đối tác nói chung.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Việt Nam nhấn mạnh: Chỉ trong nửa đầu năm nay, chúng ta đã chứng kiến thiên tai gia tăng ở nhiều nơi trong ASEAN.
Thay mặt nước chủ nhà, ông Nguyễn Hoàng Hiệp chia buồn những mất mát đau thương mà người dân Myanmar phải gánh chịu do cơn bão Mocha gây ra trong những ngày vừa qua.
Các quốc gia thành viên ASEAN phải cùng nhau hành động để tăng cường hơn nữa các nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai với người dân và với cộng đồng.
Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai năm 2023, Việt Nam đã và đang thúc đẩy chủ đề tự ứng phó và tăng cường khả năng chống chịu, ASEAN tiến tới mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai.
Thứ trưởng nhấn mạnh, định hướng trong quản lý thiên tai từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa.
Năm 2023 cũng là năm quan trọng đối với Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai, đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập Ủy ban.
Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, bao gồm các cơ quan quản lý thiên tai từ tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Ủy ban này thành lập nhằm đưa ra định hướng chiến lược về cách thức và phương tiện tăng cường quản lý thiên tai trong toàn bộ khu vực ASEAN. Thông qua sự điều phối của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai, công tác hợp tác quốc tế về quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN đạt điều nhiều kết quả trên tầm cao mới
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: "Việt Nam đã tiến hành đánh giá giữa kỳ thực hiện khung hành động SENDAI về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trong đó, cao nhất được đề cập là khung pháp lý hợp lý về quản lý rủi ro thiên tai. Nhân đây, tôi xin trân trọng cảm ơn tới Phó Chủ tịch ACDM Brunei, Ban thư ký ASEAN và trung tâm AHA đã hỗ trợ nhiệt tình để Hội nghị quan trọng này diễn ra trong một tuần. Tôi cũng tin tưởng vào sự đoàn kết mạnh mẽ của tập thể ACDM của chúng ta".
Hội nghị thường niên lần thứ 42 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) kéo dài trong 4 ngày, từ 13 đến 16/6.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin