Châu Âu đang nóng lên nhanh nhất thế giới

07:51, 21/06/2023

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ ở châu Âu đã tăng nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980. Hiện nhiệt độ trung bình ở khu vực châu Âu cao hơn 2, 3 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Cụ thể, năm 2022, nhiệt độ ở châu Âu cao hơn khoảng 2, 3 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) được sử dụng làm cơ sở cho Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đồng thời, các mối nguy hiểm liên quan đến khí tượng, thủy văn và khí hậu ở châu Âu vào năm 2022 đã dẫn đến 16.365 trường hợp tử vong cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến 156 nghìn người. WMO ước tính rằng thiệt hại tài chính liên quan vào năm 2022 lên tới ít nhất 2 tỷ USD.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết năm 2022, nhiều quốc gia ở phía Tây và Tây Nam châu Âu đã trải qua một năm nóng nhất trong lịch sử. Nhiệt độ cao làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán nghiêm trọng và lan rộng, gây ra những đám cháy rừng dữ dội.   

Tuy nhiên, WMO lưu ý rằng lần đầu tiên vào năm ngoái, các nguồn năng lượng tái tạo ở châu Âu đã sản xuất nhiều điện hơn so với nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.

Liên hợp quốc thông qua hiệp ước bảo vệ các vùng biển quốc tế

Ngày 19-6, hiệp ước quốc tế đầu tiên trên thế giới bảo vệ các vùng biển quốc tế đã được thông qua tại Liên hợp quốc (LHQ).

Đây là một thỏa thuận về môi trường mang tính lịch sử được xây dựng nhằm bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với nhân loại. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres gọi sự kiện thông qua hiệp ước này là một “thành tựu lịch sử”, theo đó tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho việc mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra các vùng biển quốc tế, vốn chiếm 60% diện tích các đại dương trên thế giới.

Văn bản của hiệp ước đã được các bên thống nhất vào tháng 3 vừa qua, sau 15 năm thảo luận và 4 năm đàm phán chính thức. Sau khi được LHQ thông qua, hiệp ước cần được tối thiểu 60 nước thành viên LHQ phê chuẩn để có hiệu lực áp dụng.

Hiệp ước cũng thiết lập các nguyên tắc chia sẻ lợi ích của “nguồn gene biển” (MGR) được thu thập qua nghiên cứu khoa học ở vùng biển quốc tế. Đây là một điểm mấu chốt gần như đã khiến các cuộc đàm phán đổ vỡ vào phút cuối hồi tháng 3 vừa qua.

Giới quan sát nhận định hiệp ước trên sẽ không khó để nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 60 quốc gia thành viên LHQ. Mặc dù hiệp ước là một bước tiến lớn trong việc thiết lập quản lý các vùng biển quốc tế, song còn nhiều vấn đề phải thảo luận liên quan việc thực thi hiệp ước này./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com