Ngày 25-6, Ấn Độ và Ai Cập đã ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược. Đây là kết quả chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Ai Cập kể từ khi nhậm chức năm 2014 và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ kể từ năm 1997.
Tổng thống Ai Cập Fattah El-Sisi và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thảo luận các vấn đề về giáo dục, năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy thương mại và đầu tư của Ấn Độ vào Ai Cập. Truyền thông Ai Cập cho biết, Nhà lãnh đạo Ấn Độ đã chính thức gửi lời mời Ai Cập tham gia cuộc họp sắp tới của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) tại New Delhi.
Ai Cập có vị trí địa chiến lược độc đáo nằm bên Biển Đỏ, Địa Trung Hải và Kênh đào Suez. Do đó quốc gia Bắc Phi là phần không thể thiếu trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ cũng như chiến lược của Ấn Độ với châu Phi. Bên cạnh thương mại, hai nước cũng đang đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.
G7 cam kết thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế sau dịch COVID-19
Ngày 25-6, trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 2 ngày tại thành phố Nikko, tỉnh Tochigi của Nhật Bản, các Bộ trưởng Bình đẳng giới G7 đã cam kết sẽ thực hiện các biện pháp xóa bỏ khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế thông qua việc tăng cường trao quyền cho phụ nữ, đồng thời thừa nhận tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với bình đẳng giới.
Theo các bộ trưởng, công việc chăm sóc và nội trợ - vốn thường mặc định là dành cho phụ nữ - là “những trở ngại lớn” đối với “việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ khi điều này làm suy giảm khả năng làm việc toàn thời gian hay ở các vị trí lãnh đạo của họ”. Các bộ trưởng nhấn mạnh công nghệ và thời gian lao động linh hoạt có thể được áp dụng như một cách thức để điều chỉnh tình trạng mất cân bằng này.
Các bộ trưởng của Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ cùng với Liên minh châu Âu (EU) cũng nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là “một trở ngại nghiêm trọng” để đạt được một xã hội bình đẳng giới. Tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết đẩy nhanh nỗ lực hướng tới sự bình đẳng giới toàn diện và trao quyền hơn nữa cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”.
Saudi Arabia đón dòng người dự lễ hành hương Hajj đông nhất từ năm 2019
Theo một quan chức giấu tên thuộc Bộ phụ trách lễ hành hương Hajj và Umrah của Saudi Arabia, nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, năm nay, nước này sẽ chứng kiến cuộc hành hương Hajj lớn nhất kể từ năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch COVID-19. Dự kiến sẽ có trên 2,5 triệu tín đồ từ khoảng 160 quốc gia trên thế giới tham gia sự kiện này. Chỉ tính riêng tới cuối ngày 23-6 vừa qua đã có tới 1,6 triệu người nước ngoài có mặt ở Saudi Arabia.
Lễ hành hương Hajj bắt đầu vào sáng sớm 25-6 với hoạt động đi quanh khối Kaaba đen được trang trí bằng những chi tiết mạ vàng - nơi hàng triệu người Hồi giáo tới cầu nguyện mỗi ngày. Dự kiến, vào tối cùng ngày, đoàn người hành hương sẽ bắt đầu di chuyển đến Mina, cách Nhà thờ Hồi giáo của thành phố Mecca linh thiêng khoảng 5km. Kế đó, tâm điểm của lễ Hajj là cuộc tụ họp trên núi Arafat, tương truyền là nơi Nhà tiên tri Mohammed thuyết pháp lần cuối. Các tín đồ sẽ tập trung trên ngọn núi này và khu vực xung quanh trong nhiều giờ để cầu nguyện, đọc kinh Koran cho đến tối. Khi hoàng hôn xuống, họ sẽ đến Muzdalifah để gom những viên đá, quay lại Mina thực hiện nghi lễ ném đá trừ tà. Sau nghi lễ này, những người hành hương sẽ cạo đầu hoặc cắt tóc và thực hiện nghi lễ hiến tế Eid al-Adha, đánh dấu kết thúc lễ Hajj kéo dài 4 ngày tại Mecca và các khu vực xung quanh thánh địa này ở phía Tây Saudi Arabia./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin