Hơn 30 triệu tấn hàng được xuất khẩu trong khuôn khổ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

07:49, 17/05/2023

Ngày 15-5, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths đã kêu gọi gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, cho phép xuất khẩu an toàn ngũ cốc và các nông sản khác của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Phó Tổng Thư ký Griffiths cho biết hơn 30 triệu tấn hàng hóa, trong đó có thực phẩm và phân bón, đã được xuất khẩu an toàn theo sáng kiến này. Trong các mặt hàng xuất khẩu, có khoảng 600 nghìn tấn lúa mì do Chương trình Lương thực Thế giới vận chuyển nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động nhân đạo ở các nước như Afghanistan, Ethiopia, Kenya, Somalia và Yemen.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng rẽ với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 năm ngoái. Thỏa thuận đã được gia hạn 120 ngày vào tháng 11-2022 và tiếp tục gia hạn 60 ngày vào ngày 18-3 vừa qua. Mới đây, Nga tuyên bố không đàm phán gia hạn thỏa thuận sau ngày 18-5 tới nếu như không có tiến triển trong giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống liên quan đến việc kết nối thanh toán, nguồn cung máy móc và bảo hiểm. Tuần trước, một cuộc họp cấp cao 4 bên đã được tổ chức tại Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm đại diện của LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine, để thảo luận về việc gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Lạm phát tại Đức bắt đầu hạ nhiệt

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết giá bán buôn trong tháng 4 đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên giá bán buôn hàng năm giảm kể từ tháng 12-2020.

Theo Destatis, kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát, hoạt động kinh tế bị tác động khiến giá bán lẻ nói chung tăng với tốc độ khó kiểm soát, xu hướng chi phí gia tăng đã tạo áp lực với người tiêu dùng. Giá trên thị trường bán buôn trong tháng 3 đã tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi vào tháng 2, tỷ lệ này là 8,9%. Mặc dù vậy, trong tháng 4, không phải tất cả giá bán buôn đều giảm. Một số mặt hàng vẫn tiếp tục tăng, như giá trái cây, rau và khoai tây tăng 22%, vật liệu xây dựng tăng 13,9%.

Mức lạm phát 7,2% trong tháng 4 là mức thấp nhất kể từ tháng 8-2022, một dấu hiệu khác cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh ở Đức. Giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 5,9% trong năm nay, tiếp theo là 2,7% vào năm 2024. Con số này thấp hơn so với mức 6,9% vào năm 2022, thời điểm xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao chưa từng có.

Theo dự báo mới nhất của Chính phủ liên bang Đức, tỷ lệ lạm phát năm 2023 của nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ ở mức 5,9%. Tiền lương thực tế chỉ có thể tăng trở lại vào năm 2024, vì tỷ lệ lạm phát khi đó dự kiến sẽ giảm xuống 2,7%./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com