Chính phủ Mỹ có thể không còn tiền để trang trải các nghĩa vụ tài chính và có nguy cơ vỡ nợ vào đầu tháng 6 tới. Cảnh báo này được Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đưa ra trong bối cảnh các nghị sĩ Mỹ vẫn đang tranh cãi về việc nâng trần nợ công.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh các tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, sẽ không thể tiếp tục đáp ứng tất cả nghĩa vụ tài chính của chính phủ Xứ Cờ hoa trong đầu tháng 6 tới, nếu Quốc hội không nâng hoặc đình chỉ giới hạn nợ trước thời điểm này. Bà thúc giục Quốc hội Mỹ hành động sớm nhằm nâng mức giới hạn nợ để chính phủ có thể duy trì khả năng thanh toán.
Cùng chung nỗi lo với Bộ trưởng Tài chính, Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Phillip Swagel nêu rõ, do các khoản thu thuế đến hết tháng 4 vừa qua ít hơn so với dự kiến của CBO đưa ra hồi tháng 2, nên Bộ Tài chính Mỹ nhiều khả năng sẽ cạn tiền vào đầu tháng 6.
Tổng thống Joe Biden ngay lập tức gọi điện cho Chủ tịch Hạ viện McCarthy mời tham dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội, dự kiến diễn ra hôm 9/5 tới. Một nguồn thạo tin cho biết, Tổng thống Biden đã đề cập việc nâng mức trần nợ công nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, trong một tuyên bố, ông McCarthy kêu gọi Tổng thống và Thượng viện sớm chấp nhận cắt giảm chi tiêu và ngăn chặn khủng hoảng.
Tuần trước, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm thế đa số thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, nhưng đi kèm với biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu. Điều kiện “thắt lưng, buộc bụng” này của phe Cộng hòa bị Tổng thống Biden và phe Dân chủ phản đối kịch liệt. Theo giới phân tích, các nghị sĩ đảng Cộng hòa quyết tâm thúc đẩy thông qua dự luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng tại Hạ viện để củng cố vị thế của đảng này trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Biden.
Nền kinh tế Mỹ chạm ngưỡng giới hạn vay nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng 1 vừa qua. Bộ Tài chính của Xứ Cờ hoa phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, nếu mức trần nợ không được nâng lên, Chính phủ Mỹ có nguy cơ không thực hiện được các khoản thanh toán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, trong bối cảnh nợ công của nền kinh tế số 1 thế giới không ngừng phình ra.
Chính phủ Mỹ từng vay mượn để giúp nền kinh tế quốc gia chống chọi với tác động của đại dịch Covid-19 gây ra cho thị trường lao động và chuỗi cung ứng. Việc vay nợ diễn ra dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump và thời kỳ đầu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, vào thời điểm lãi suất còn thấp. Giờ đây, trong thời kỳ lạm phát cao lịch sử và một loạt đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để kiềm chế giá cả tăng cao, chi phí vay đã cao hơn trước rất nhiều.
Ủy ban Vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm của Mỹ (CRFB) ước tính các chính sách của Tổng thống Joe Biden có thể làm ngân sách thâm hụt thêm 4.800 tỷ USD từ năm 2021 đến 2031. CRFB cảnh báo việc vay nợ quá mức sẽ dẫn đến áp lực lạm phát kéo dài, đẩy nợ quốc gia lên mức kỷ lục mới ngay sau năm 2030 và tăng gấp ba lần các khoản thanh toán lãi suất liên bang trong thập kỷ tới, hoặc thậm chí sớm hơn nếu lãi suất tăng nhanh hơn dự kiến. Mức vay của Mỹ đã tăng vọt trong thập kỷ qua. Khoản nợ công tồn đọng của Mỹ ở mức 10.600 tỷ USD vào thời Tổng thống Barack Obama nhậm chức (năm 2009), tăng thành 19.900 tỷ USD khi ông Donald Trump nhậm chức (2017) và 27.800 tỷ USD khi Tổng thống Biden nhậm chức (2021).
Đầu năm 2018, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Chính phủ Mỹ từng bị đóng cửa hai lần do không thể thông qua dự luật tài trợ chính phủ và ngân sách liên bang trước hạn chót. Sau ba ngày đóng cửa, các nghị sĩ ở Quốc hội lưỡng viện của Mỹ đạt thỏa thuận để mở cửa chính phủ trở lại với việc đảng Dân chủ buộc đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump phải thảo luận về vấn đề người nhập cư.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin