Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, cơ quan thống kê quốc gia của Liên bang Nga (Rosstat) ngày 12-4 cho hay lần đầu tiên lạm phát của nước này giảm xuống dưới mức 4% trong tháng 3-2023 kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có chống lại Nga liên quan cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo đó, lạm phát của Nga trong tháng 3 ở mức 3,51% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức 10,99% của tháng 2, tuy nhiên mức giảm này không phản ánh sự sụt giảm thực sự về giá cả ở Nga sau khi lạm phát tăng vọt hồi tháng 3-2022 sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Mức lạm phát ở Nga trong tháng 3-2022 cao hơn đáng kể so với tháng 2-2022 nên so sánh hàng năm cho thấy mức giảm mạnh. Trong tháng 4-2022, tỷ lệ lạm phát tại nước này đã tăng lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ là 17,8%.
Hồi giữa tháng 2 vừa qua, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiulina cho biết tỷ lệ lạm phát ở quốc gia trên sẽ ở mức “từ 5 đến 7%” vào cuối năm nay.
G7 thảo luận thách thức từ công nghệ kỹ thuật số
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết, Nhật Bản chủ trì cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra ngày 12-4 tại Thủ đô Washington (Mỹ).
Phát biểu tại Hội nghị mùa xuân của Nhóm Ngân hàng thế giới (WB) và quỹ tiền tệ quốc tế ở Washington, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cho biết, G7 sẽ tìm giải pháp tốt nhất để giúp các nước đang phát triển ra mắt các loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC) phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Ông cho biết đây là một trong những chủ đề chính trong các cuộc thảo luận tại G7 năm nay do Nhật Bản chủ trì, nhằm giải quyết những thách thức mà cộng đồng toàn cầu phải đối mặt từ công nghệ kỹ thuật số./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin