Giá dầu mỏ thế giới tăng mạnh sau khi một loạt quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (nhóm OPEC+) bất ngờ thông báo cắt giảm sản lượng. Động thái của các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới gây nhiều tranh cãi, bởi cắt giảm sản lượng giúp ổn định thị trường năng lượng, song cũng có thể góp phần khiến lạm phát nóng trở lại.
Một cơ sở lọc dầu của Nga. (Ảnh: The Moscow Times/TTXVN) |
Saudi Arabia và Nga dẫn đầu kế hoạch tự nguyện cắt giảm sản lượng lần này của OPEC+, với cam kết mỗi nước cắt giảm thêm 500 nghìn thùng/ngày cho đến hết năm 2023.
Nhiều thành viên khác cũng đồng loạt công bố mức cắt giảm tự nguyện bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến hết năm 2023: Iraq giảm 211 nghìn thùng/ngày, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) giảm 144 nghìn thùng/ngày, Kuwait giảm 128 nghìn thùng/ngày, Algeria giảm 48 nghìn thùng/ngày, Oman giảm 40 nghìn thùng/ngày...
Quyết định cắt giảm sản lượng lần này của một loạt quốc gia OPEC+ hoàn toàn bất ngờ, bởi được đưa ra đúng một ngày trước cuộc họp trực tuyến về sản lượng định kỳ của Hội đồng Bộ trưởng OPEC+.
Các nhà phân tích từng dự đoán, trong cuộc họp định kỳ vào ngày 3/4, OPEC+ sẽ giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng đã cam kết trước đó là 2 triệu thùng/ngày cho đến hết năm 2023.
Lý do mà Bộ Năng lượng Saudi Arabia đưa ra để giải thích cho việc cắt giảm sản lượng dầu lần này là hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ.
Một số chuyên gia cũng nhận định, OPEC+ đang hành động trên cơ sở phòng ngừa để ngăn chặn kịch bản xấu từng xảy ra năm 2008 lặp lại, khi các nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới cắt giảm sản lượng quá muộn và không kịp ngăn giá dầu lao dốc do sức ép của khủng hoảng tài chính toàn cầu khi đó.
Giá dầu trong tháng trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng qua trong bối cảnh hỗn loạn trên thị trường tài chính với sự sụp đổ của một số ngân hàng lớn ở Mỹ và vụ giải cứu ngân hàng từng lớn thứ hai Thụy Sĩ Credit Suisse.
Amrita Sen, Giám đốc của Energy Aspects, nhận định rằng OPEC+ đang thực hiện “bước phủ đầu” phòng trường hợp nhu cầu dầu trên thế giới có thể giảm.
Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs (Mỹ) dự báo, việc cắt giảm sản lượng có thể giúp giá dầu tăng thêm 7% trong thời gian tới, góp phần làm tăng doanh thu từ dầu mỏ cho các thành viên OPEC+.
Động thái của OPEC+ hứng chịu chỉ trích, khi giới chuyên gia cho rằng thị trường đã “trở tay không kịp”. Phản ứng khá gay gắt, Mỹ cho rằng động thái của các nhà sản xuất của OPEC+ không hợp lý.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nêu rõ: Chúng tôi không nghĩ rằng việc cắt giảm sản lượng nên làm vào thời điểm này, do thị trường không chắc chắn. Mỹ lập luận, thế giới cần giảm giá năng lượng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Giá dầu thô tăng mạnh có thể đẩy lạm phát tiếp tục lên cao, trong bối cảnh tốc độ tăng giá vẫn ở mức cao tại nhiều nền kinh tế lớn. Điều này sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), vốn đã tăng lãi suất tới 9 lần trong vòng một năm qua.
Thị trường năng lượng sẽ tiếp tục khó đoán định khi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới có những động thái bất ngờ.
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) từng ra lệnh xả kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ để “hạ nhiệt” giá xăng dầu, trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng kỷ lục sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra.
Để bù đắp sự thiếu hụt dầu toàn cầu, một số nhà sản xuất lớn như Brazil, Canada, Guyana, Na Uy và Mỹ đều đang tăng sản lượng.
Theo các nhà phân tích kinh tế, động thái bất ngờ cắt giảm sản lượng được chính nhóm thành viên chủ chốt trong OPEC+ đưa ra, với mục tiêu hỗ trợ tăng giá dầu. Khả năng giá dầu quay trở lại ngưỡng 100 USD/thùng vì thế đang tăng lên.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin